Dán tem công tơ tổng tại các đại lý kinh doanh xăng dầu: Giải pháp chống thất thu ngân sách

Nguyễn Lương| 22/03/2017 09:28

Bán hàng không xuất hóa đơn, để ngoài sổ kế toán, không kê khai nộp thuế theo quy định… đó là những “chiêu” mà nhiều đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu trên địa bàn dùng để “qua mắt” đơn vị chức năng. Trước thực trạng này, ngành Thuế đang triển khai giải pháp dán tem công tơ tổng tại các cột đo xăng, dầu, nhằm từng bước hạn chế thất thu trong lĩnh vực này.

ADQuảng cáo

Cán bộ Đoàn liên ngành triển khai dán tem công tơ tổng tại Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu Mỹ Dung (Gia Nghĩa)

Thất thu lớn

Theo Cục Thuế tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có 172 đơn vị kinh doanh xăng dầu, với tổng số 650 cột đo xăng. Bình quân mỗi năm, nguồn thu vào ngân sách của tỉnh từ hoạt động kinh doanh xăng dầu là gần 20 tỷ đồng. Trong tổng số gần 20 tỷ đồng này, số thuế nộp ngân sách của 21 cửa hàng, với 98 cột đo xăng của Chi nhánh Xăng dầu Đắk Nông (thuộc Công ty TNHH Xăng dầu Nam Tây Nguyên) đã đóng góp hơn 12 tỷ đồng, còn những đơn vị khác chiếm tỷ lệ rất thấp.

Theo Cục Thuế tỉnh, sự chênh lệch về tỷ lệ điều tiết tiền thuế trên doanh thu giữa doanh nghiệp có tiền thân là doanh nghiệp nhà nước với các cơ sở kinh doanh thuộc đơn vị tư nhân rất lớn.

Cụ thể, nếu làm một phép so sánh, tính bình quân theo cửa hàng thì một cửa hàng của các đơn vị thuộc công ty TNHH hay doanh nghiệp tư nhân nộp ngân sách chỉ có hơn 24 triệu đồng/năm. Trong khi đó, một cửa hàng của Chi nhánh xăng dầu Đắk Nông (Công ty TNHH Xăng dầu Nam Tây Nguyên) có số nộp ngân sách bình quân là gần 610 triệu đồng/năm. Qua số liệu này cho thấy, tình trạng thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trên địa bàn đang diễn ra trong phạm vi thuộc các công ty TNHH MTV hay doanh nghiệp tư nhân rất lớn, nhưng chưa được phát hiện, xử lý kịp thời.

Ông Trần Văn Long, Cục phó Cục Thuế tỉnh cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thu trong lĩnh vực này là do phần lớn người tiêu dùng là cá nhân khi mua xăng, dầu đều không lấy hóa đơn. Số xăng dầu này có thể được các cơ sở kinh doanh chuyển hóa thành hóa đơn để cung cấp cho tổ chức hành chính sự nghiệp, từ đó, thanh quyết toán với ngân sách nhà nước và cung cấp cho các cơ sở kinh doanh để kê khai khấu trừ thuế giá trị đầu vào, cũng như hạch toán chi phí nhằm làm giảm thu nhập chịu thuế và giảm số thuế giá trị gia tăng doanh nghiệp phải nộp. Cùng với đó, một số cơ sở kinh doanh nhập xăng, dầu trôi nổi trên thị trường để kinh doanh, bỏ ngoài sổ sách kế toán, không kê khai, nộp thuế, gây thất thu số thuế lớn. Hơn nữa, tại thời điểm Nhà nước quyết định điều chỉnh giá xăng, dầu giao dịch mua, bán trên thị trường, cơ quan thuế các cấp chưa phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan để kịp thời kiểm tra, so sánh lượng hàng hóa tồn kho thể hiện trên sổ sách, kế toán, từ đó, làm tăng con số thất thu thuế hàng năm lên cao.

ADQuảng cáo

Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc, thực hiện ký cam kết thực hiện đúng quy định về kinh doanh xăng, dầu với cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Đắk Song

Siết chặt quản lý doanh thu

Để hạn chế tình trạng này, từ cuối tháng 2/2017, UBND tỉnh đã thành lập 2 đoàn liên ngành gồm: Ngành Thuế, Công thương, Khoa học - Công nghệ tiến hành dán tem niêm phong công tơ tổng tại các cột đo xăng, dầu của tất cả các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trong tỉnh.

Đến nay, sau gần 20 ngày triển khai, đoàn đã dán tem, phổ biến quy định của Nhà nước đến với nhiều điểm kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Ngoài kiểm tra hoạt động các cột bán xăng để dán tem, đoàn còn tiến hành đo dung tích xăng, dầu tồn kho tại các bể chứa, cũng như yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh sửa chữa lại các cột xăng thông báo hỏng, nhằm tránh tình trạng bán lậu xăng, dầu.

Ông Lê Minh Doanh, Trưởng Đoàn liên ngành dán tem niêm phong công tơ tổng tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu phụ trách địa bàn Gia Nghĩa, Đắk R’lấp, Đắk Glong, Tuy Đức cho biết: "Giải pháp này được triển khai sẽ tăng cường tính tự giác, gắn trách nhiệm có tính bắt buộc của các cơ sở kinh doanh xăng, dầu trong việc cung cấp hóa đơn khi bán hàng hóa cho người tiêu dùng. Trên cơ sở đó, cơ quan thuế quản lý được doanh số bán ra của cơ sở kinh doanh này”.

Cũng theo ông Doanh, ngoài việc nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu, tăng thu ngân sách cho nhà nước thì thông qua giải pháp này còn tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các cơ sở kinh doanh cùng mặt hàng xăng, dầu.

Theo ông Trần Văn Long, qua quá trình dán tem tại công tơ tổng, trên cơ sở số liệu về chỉ số ghi nhận được, kết hợp với kết quả thực hiện các hợp đồng kinh tế, cơ quan thuế các cấp sẽ thực hiện kiểm tra, đối chiếu lượng xăng, dầu xuất bán phản ánh trên chỉ số công tơ tổng của cột đo xăng, dầu và hợp đồng kinh tế với hồ sơ khai thuế. Thông qua số lượng và doanh thu xăng, dầu bán ra, cơ quan thuế xác định các khoản nghĩa vụ thuế phải nộp ngân sách nhà nước của các cơ sở kinh doanh, đồng thời, xử lý vi phạm theo quy định của luật thuế. Trong trường hợp phát hiện doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu không kê khai, nộp thuế đầy đủ, không kịp thời hoặc có dấu hiệu gian lận thương mại, trốn thuế thì ngành Thuế sẽ thông báo cho cơ quan chức năng để phối hợp kiểm tra và xử lý kịp thời.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dán tem công tơ tổng tại các đại lý kinh doanh xăng dầu: Giải pháp chống thất thu ngân sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO