Bảo đảm các chi cục thuế khu vực sau sáp nhập hoạt động ổn định, hiệu quả

Nguyễn Lương| 20/12/2019 08:14

Thực hiện quy định của Bộ Tài chính, ngành Thuế Đắk Nông đã triển khai sáp nhập 4 chi cục thuế huyện, thị xã thành 2 chi cục thuế khu vực đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh xung quanh hoạt động của các chi cục thuế khu vực sau sắp xếp.

ADQuảng cáo

Ông Ngô Đức Trọng, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh

Phóng viên: Việc sáp nhập các chi cục thuế thành chi cục thuế khu vực là công việc khá mới mẻ. Vậy quá trình triển khai thực hiện sáp nhập bước đầu gặp những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

Ông Ngô Đức Trọng: Ngành Thuế tỉnh đã hoàn thiện Đề án thành lập các chi cục thuế khu vực. Theo đó, từ 1/10/2019, chúng tôi đã tiến hành thực hiện sáp nhập 4 chi cục thuế huyện, thị xã thành 2 chi cục thuế khu vực, gồm: Chi cục Thuế khu vực Gia Nghĩa - Đắk Glong và Chi cục Thuế khu vực Đắk R’lấp - Tuy Đức. Việc sắp xếp, sáp nhập thành chi cục thuế khu vực là một công việc mới mẻ, phức tạp, nhiều vấn đề phát sinh. Vì vậy, Cục Thuế tỉnh đã báo cáo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về đề án để tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền.

Đối với công tác cán bộ, con người, ngay từ ban đầu, chúng tôi đề ra nguyên tắc nhất quán là bộ máy chi cục thuế khu vực được sắp xếp theo đúng quy định và bảo đảm đầy đủ các chức năng quản lý thuế, phí, lệ phí. Đặc biệt, việc bố trí, sử dụng công chức phải đúng người, đúng việc, bảo đảm tiết kiệm, hợp lý. Trong bố trí cán bộ phải nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả công tác, bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của chi cục thuế sau khi thành lập.

Theo đó, đối với hai lãnh đạo chi cục, sau khi sáp nhập, chúng tôi thực hiện theo phương án điều chuyển về những phòng có chức vụ tương đương để bảo đảm quyền lợi cho các chi cục trưởng. Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện, chúng tôi luôn nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ công chức, người lao động.

Chúng tôi cũng chủ động kiểm kê, chốt số liệu, giao nhận về tài sản, tài chính, ấn chỉ, hồ sơ lưu trữ, quản lý và sử dụng tài sản của đơn vị có hiệu quả. Quy trình nghiệp vụ, hạ tầng công nghệ thông tin cũng được Cục Thuế thực hiện linh động, bảo đảm thông suốt các nội dung quản lý, không ảnh hưởng đến công tác thu ngân sách, cũng như không gây khó khăn, ách tắc cho người nộp thuế.

Bên cạnh những thuận lợi, bước đầu đi vào hoạt động các chi cục thuế khu vực gặp một số khó khăn như: Điều kiện làm việc, ăn ở của một số công chức ở chi cục thuế khu vực; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền địa phương đối với công tác thuế của chi cục thuế khu vực...

Phóng viên: Dư luận băn khoăn là việc sáp nhập để thành lập các chi cục thuế khu vực sẽ ảnh hưởng nhiều tới người nộp thuế. Ông nhận định về vấn đề này như thế nào?

ADQuảng cáo

Ông Ngô Đức Trọng: Thực tế, trước khi xây dựng đề án, chúng tôi đã rà soát tổng thể nhiều yếu tố có tác động đến người nộp thuế, từ đó, phân loại các nhóm yếu tố tác động, như: nghiệp vụ chuyên môn; hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; vấn đề pháp lý... Đương nhiên sẽ ít nhiều có sự ảnh hưởng đến người nộp thuế, vì thay đổi tên cơ quan thuế, địa điểm giao dịch.

Tuy nhiên, yếu tố thuận lợi là các doanh nghiệp đã khai thuế, nộp thuế, hóa đơn điện tử tới trên 98% nên ở đâu cũng có thể khai, nộp thuế điện tử được. Còn các hộ kinh doanh, trước mắt vẫn quản lý theo cơ chế phân công địa bàn như trước. Thủ tục hành chính liên thông và mối quan hệ với các phòng, ban chức năng của địa phương vẫn giữ nguyên.

Để tránh những tác động trực tiếp đến người nộp thuế, Cục Thuế đã chỉ đạo các đơn vị tập trung rà soát danh sách do đơn vị quản lý và sổ bộ thuế để đồng bộ cơ sở dữ liệu quản lý thuế; bảo đảm khi dữ liệu chuyển đổi cơ quan thuế khu vực không bị vướng mắc.

Trước mắt, Cục Thuế tiếp tục duy trì các bộ phận quản lý thuế, trực tiếp tiếp xúc với người nộp thuế tại các huyện ngoài nơi đặt trụ sở chính, gồm: Bộ phận một cửa để tiếp nhận hồ sơ, thủ tục về thuế; bộ phận trước bạ và thu khác; đội thuế xã phường, thị trấn để thuận tiện cho việc đôn đốc thu nộp ngân sách.

Về lâu dài, công tác quản lý các khoản thu về trước bạ và đất đai sẽ được tiếp cận phương thức quản lý mới. Điều này sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề về cải cách thủ tục hành chính; giảm thiểu chi phí, thời gian không chỉ cho người nộp thuế mà cả cơ quan quản lý.

Phóng viên: Theo lộ trình, năm 2020 Đắk Nông sẽ sáp nhập 4 chi cục thuế còn lại thành hai chi cục thuế khu vực. Ông cho biết cụ thể hơn về kế hoạch này?

Ông Ngô Đức Trọng: Năm 2020, chúng tôi tiến hành sáp nhập hai chi cục thuế khu vực Đắk Song - Đắk Mil và Chi cục thuế khu vực Cư Jút - Krông Nô. Để bộ máy đi vào hoạt động, hiệu quả, đơn vị đã thành lập ban chỉ đạo triển khai sáp nhập chi cục thuế khu vực, cũng như xây dựng đề án về địa điểm đặt trụ sở, nhân sự, tổ chức đảng và các đoàn thể báo cáo Tổng cục Thuế và cấp có thẩm quyền để trình Bộ Tài chính phê duyệt.

Cùng với việc triển khai xây dựng kế hoạch, đơn vị đã tổ chức quán triệt đến tất cả cán bộ, công chức trong toàn ngành chấp hành tốt chủ trương về sắp xếp, sáp nhập nhưng đồng thời vẫn phải thực hiện tốt công tác quản lý thu, chống thất thu ngân sách, nhằm thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế. Việc sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế được toàn ngành quán triệt sát sao, chặt chẽ, với tiêu chí phải bảo đảm ổn định hoạt động của bộ máy, không ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị được giao.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm các chi cục thuế khu vực sau sáp nhập hoạt động ổn định, hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO