Nghệ nhân tạc tượng trẻ Y Ân: Đam mê nghệ thuật, văn hóa truyền thống

Lê Phước| 31/03/2017 10:09

Mới 26 tuổi nhưng nghệ nhân Y Ân B’Ja, ở thôn Phú Lợi, xã Quảng Phú (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) đã có 5 năm kinh nghiệm tạc tượng gỗ dân gian truyền thống dân tộc M’nông. Nhờ không ngừng học hỏi, giao lưu và nỗ lực, Y Ân đã được chọn là nghệ nhân trẻ tuổi nhất của Đắk Nông tham gia Hội thi tạc tượng gỗ dân gian các dân tộc Tây Nguyên và xuất sắc đạt giải nhất.

ADQuảng cáo

Nghệ nhân Y Ân B’Ja  nhận giải nhất tại Hội thi tạc tượng gỗ dân gian các dân tộc Tây Nguyên năm 2017

Nghệ nhân Y Ân B’Ja sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn hóa ở xã Quảng Phú. Bố Y Ân là ông Y Lem cũng là một nghệ nhân tạc tượng có tay nghề. Ngay từ thuở nhỏ, Y Ân đã sớm bộc lộ sự thích thú với những tác phẩm tượng gỗ của cha. Năm 15 tuổi, nhờ sự chỉ dạy tận tình của người cha, cộng với niềm đam mê, Y Ân đã tạo ra được những tượng gỗ có hình chiếc cối giã gạo, vốn gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Không bằng lòng với những tác phẩm đơn giản, anh suy nghĩ phải kết hợp nhiều yếu tố văn hóa, nhiều hình tượng của người M’nông trong cùng một thân tượng nên đã thôi thúc Y Ân sáng tạo không ngừng. Những lúc rảnh rỗi, anh đến nhà những già làng trong xã để nghe kể, nghe giải thích về những biểu tượng đặc trưng, gắn bó với người M’nông. Nhớ như in trong đầu những điều đó, Y Ân mạnh dạn đưa những hình tượng truyền thống của dân tộc lên những tác phẩm tạc tượng.

Để nâng cao về trình độ chuyên môn, năm 2013, anh thi đậu vào ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Trường Đại học Khánh Hòa. Đầu năm 2017, khi đi thực tập tại thị xã Gia Nghĩa, anh đã được chọn là một trong 5 nghệ nhân của tỉnh Đắk Nông tham gia Hội thi tạc tượng gỗ dân gian các dân tộc Tây Nguyên. Hội thi này diễn ra từ ngày 8 - 12/3 tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) với chủ đề là “Văn hóa, nghệ thuật, con người Tây Nguyên” đã quy tụ hơn 70 nghệ nhân đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên, Quảng Nam và Khánh Hòa tham gia.

ADQuảng cáo

Sau hơn 5 ngày miệt mài với hội thi, anh đã thổi hồn vào khúc gỗ đơn sơ, hình thành nên bức tượng gỗ có tên “Gấu bẻ măng”. Bức tượng lấy chủ thể là chú gấu đang dùng 2 chân giữ chặt gốc măng và chuẩn bị bẻ. Phần dưới chủ thể, anh tạo ra hình thù của 5 vật dụng gồm: Bàn, ghế, cối giã gạo, thớt và chóe đựng gạo. Ở mỗi vật dụng, nghệ nhân trẻ này đã chạm trỗ những nét hoa văn, những hình ảnh tượng trưng cho ngôi nhà, bước chân… của người M’nông.

Theo lý giải của anh, hình tượng gấu bẻ măng thể hiện sự gần gũi, thân thiện giữa người dân với động vật và thiên nhiên. Những nét hoa văn được khắc trên các vật dụng thể hiện bản sắc độc đáo, đặc trưng của dân tộc M’nông. Qua việc đưa các vật dụng gắn liền với đời sống của mọi người, anh muốn nêu cao tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc anh em.

Bức tượng “Gấu bẻ măng” của nghệ nhân Y Ân được Ban tổ chức hội thi đánh giá cao về tính sáng tạo trong việc kết hợp nhiều thành tố văn hóa của dân tộc M’nông trên cùng một thân tượng. Vượt qua hơn 70 tác phẩm nghệ thuật trong hội thi, bức tượng của Y Ân đã xuất sắc giành giải nhất. Với thành tích đó, anh đã trở thành 1 trong 6 cá nhân được biểu dương điển hình, có thành tích xuất sắc trong Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017.

Y Ân cho biết, sau khi tốt nghiệp đại học sẽ về quê để tập trung tạc tượng. Nghệ nhân trẻ này cũng dự kiến vào cuối tháng 8 năm nay sẽ cho ra mắt 10 bức tượng văn hóa dân gian do chính anh sáng tác. Anh chia sẻ: “Tôi hy vọng các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn trẻ đồng bào các dân tộc Tây Nguyên hãy chung tay giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Nếu có đam mê nghệ thuật, có ý tưởng thì mọi người hãy cố gắng phát huy, đừng để truyền thống của dân tộc mình bị mai một”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ nhân tạc tượng trẻ Y Ân: Đam mê nghệ thuật, văn hóa truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO