Bàn đập vỏ cây và hòn se sợi: Công cụ minh chứng nghề dệt thổ cẩm có từ cách đây 3.000 năm

Bài, ảnh: Nguyễn Anh Bằng| 05/10/2018 09:35

Khảo cổ học vào những năm đầu thập niên của thế kỷ 21 đã chứng minh văn hóa thổ cẩm của đồng bào Tây Nguyên nói chung và đồng bào M’nông nói riêng đã hình thành cách ngày nay khoảng 3.000 năm trước Công nguyên.

ADQuảng cáo

Họ đã khai quật, thu thập và tìm được nhiều bằng chứng về sự xuất hiện của nghề dệt để tạo ra thổ cẩm qua các công cụ bàn đập vỏ cây và hòn se sợi chất liệu đá. Công cụ này minh chứng cho sự xuất hiện đầu tiên, là tiền thân nền văn hóa thổ cẩm của người M’nông ở buổi đầu bình minh lịch sử.

Bàn đập vỏ cây và hòn se sợi niên đại khoảng 3.000 năm được lưu giữ tại Bảo tàng Đắk Nông

Nghiên cứu bước đầu về công cụ lao động đối với bàn đập vỏ cây, các nhà khảo cổ học kết luận loại công cụ này có niên đại cách ngày nay khoảng 3.000 năm, được lấy từ nguyên liệu đá tại chỗ và hầu như phân bố rải rác tại các địa bàn có di tích, nhất là di chỉ cư trú của người tiền sử.

Cũng trong giai đoạn này, trên địa bàn huyện Đắk R’lấp, Đắk Song, Đắk Mil, Cư Jút…, các nhà khoa học đã tìm thấy vô số công cụ lao động bằng đá tròn có lỗ, với đường kính trung bình 10 cm. Kết quả nghiên cứu bước đầu nhận định, đây là loại dụng cụ dùng để se sợi của người tiền sử (gọi là hòn se sợi). Chúng đều được phân bố trên các di chỉ cư trú, nơi tập hợp cư dân cổ sinh sống thành làng/bản như địa giới hành chính buôn/bon hiện nay trong sự phân công lao động của xã hội nguyên thủy.

ADQuảng cáo

Các nhà nghiên cứu nhận định những di vật đá có lỗ được hình thành cách ngày nay khoảng 3.000 năm. Họ cho rằng sự phân công lao động xã hội nguyên thủy lúc này là đàn ông thực hiện công việc nặng nhọc như săn bắt; đàn bà thực hiện nhiệm vụ hái lượm… Vì vậy, nhiệm vụ se sợi sẽ được giao lại cho người phụ nữ ở nhà (nơi cư trú) đảm đang. Đây là giả thiết lý giải cho việc các công cụ se sợi để làm thổ cẩm hầu như đều được phát hiện trên địa bàn có di chỉ cư trú của người tiền sử ở tỉnh Đắk Nông.

Tại huyện Cư Jút, người ta đã tìm thấy di chỉ xưởng chế tác công cụ lao động với hàng loạt sản phẩm rìu, bôn, cuốc, hòn se sợi chất liệu đá... Điều này minh chứng cho sự giao thương phát triển kinh tế ở buổi đầu bình minh lịch sử loài người. Tổ tiên của người M’nông đã dùng các công cụ lao động (rìu, bôn, cuốc…) trao đổi hàng hóa, các sản phẩm như thực phẩm, y phục… để tồn tại và phát triển.

Các công cụ bàn đập vỏ cây bằng đá được tìm thấy tại huyện Cư Jút (năm 2006), huyện Đắk Song (2018) có kích thước dài trung bình khoảng 30 cm, với hai phần chức năng cơ bản: Chuôi có cán tròn để cầm và phía phần đầu có rãnh đập hình lưỡi cưa để gia công các loại vỏ cây nhằm làm cho sản phẩm vỏ cây đến mức độ nhuyễn, mềm (có thể sử dụng sản phẩm để mặc trực tiếp hoặc có khả năng làm thành sợi để thực hiện công đoạn se, dệt sợi).

Việc trao đổi sản phẩm là cơ sở cho sự phân công lao động trong xã hội nguyên thủy, tạo ra những nghề đặc thù như nghề săn bắt, nghề sản xuất công cụ lao động, nghề làm gốm, nghề dệt… Vì vậy, khả năng nghề dệt thổ cẩm trở thành một nghề thủ công có giá trị đặc biệt trong xã hội nguyên thủy, vừa phục vụ cho nhu cầu mặc ấm, làm đẹp, đối phó với khí hậu khắc nghiệt; vừa tạo ra sản phẩm hàng hóa để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của gia đình, thị tộc…

Những bằng chứng từ công cụ lao động để tạo sản phẩm thổ cẩm đã minh chứng được rằng người tiền sử hay tổ tiên của đồng bào M’nông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông từ hàng ngàn năm trước đã biết se sợi làm trang phục, đáp ứng cho nhu cầu mặc ấm và thẩm mỹ của con người.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bàn đập vỏ cây và hòn se sợi: Công cụ minh chứng nghề dệt thổ cẩm có từ cách đây 3.000 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO