Xử lý nguy cơ ô nhiễm nguồn nước hồ thủy điện Đắk R'tíh: Các ngành, địa phương còn lơ là trách nhiệm

Bình Minh| 01/11/2016 10:19

Mặc dù UBND tỉnh Đắk Nông đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, UBND thị xã Gia Nghĩa, huyện Đắk R’lấp phối hợp với các đơn vị có liên quan nhanh chóng vào cuộc quyết liệt xử lý tình trạng xả thải gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước hồ thủy điện Đắk R’tíh nhưng đến nay mọi việc vẫn “giẫm chân tại chỗ”.

ADQuảng cáo

Tình trạng này hiện tại đang ngày càng phức tạp hơn, nếu không sớm được giải quyết thì sức khỏe của hàng ngàn hộ gia đình ở thị xã Gia Nghĩa dùng nước máy lấy từ hồ thủy điện này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nguy cơ ô nhiễm ngày càng tăng

Suốt từ năm 2014 đến nay, Công ty Cổ phần Cấp nước và Phát triển đô thị Đắk Nông đã có rất nhiều báo cáo gửi các cơ quan chức năng của tỉnh và thị xã Gia Nghĩa về tình trạng xả thải từ nuôi cá lồng, các cơ sở ga ra ô tô, chăn nuôi gia súc, gia cầm và chất thải từ khu dân cư gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước hồ thủy điện Đắk R’tíh. Và, dù đã có nhiều đoàn khảo sát, giám sát, rồi tổ chức họp nhưng do thiếu sự vào cuộc của các ngành chức năng và thị xã Gia Nghĩa nên nguy cơ ô nhiễm không giảm mà còn ngày càng nghiêm trọng hơn.

Các hộ vẫn nuôi cá gần với trạm bơm nước của Công ty Cổ phần Cấp nước và Phát triển đô thị Đắk Nông

Cụ thể, trong 7 hộ gia đình nuôi cá trên lòng hồ, Công ty đã nhiều lần cử cán bộ xuống vận động di dời xuống cuối nguồn nước nhưng đến nay mới chỉ thuyết phục được 1 hộ, 6 hộ còn lại không chịu di dời và tiếp tục mua cá giống về thả nuôi với quy mô mở rộng hơn so với trước đây.

Các cơ sở ga ra ô tô, cơ sở chăn nuôi cũng chưa có sự chuyển biến gì, quy mô hoạt động, xả thải ngày càng lớn hơn. Ga ra Phú Thịnh đã tiến hành san lấp đất lấn bờ hồ, trực tiếp xả thải dầu nhớt xuống hồ nhưng vẫn chưa có cơ quan chức năng nào xuống kiểm tra, xử lý.

Trong khi đó, ông Lê Hiến, chủ ga ra Phú Thịnh cho biết: “Hoạt động của ga ra ở quy mô nhỏ nên sẽ không ảnh hưởng đến nguy cơ ô nhiễm nguồn nước”. Cách đó không xa, ông Huỳnh Thế Hùng, chủ cơ sở cơ khí Hùng Phát cho rằng: “Nhiều tháng nay, cơ sở không thấy ai xuống tuyên truyền, vận động gì nên cứ thế mở rộng quy mô hoạt động”. Điều đáng nói là toàn bộ chất thải của cơ sở này cũng cho thải thẳng xuống lòng hồ. Các khu dân cư ven hồ đang hình thành, phát triển tự phát và thải trực tiếp xuống lòng hồ.

Các ngành, địa phương chưa vào cuộc

Ngày 5/7/2016, UBND tỉnh có Công văn số 3266/UBND-NN về xử lý nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước và giải pháp phát triển bền vững hồ thủy điện Đắk R’tíh. Trong đó, UBND tỉnh đã giao trách nhiệm đối với UBND thị xã Gia Nghĩa, UBND huyện Đắk R’lấp, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp - PTNT, Công ty Cổ phần thủy điện Đắk R’tíh, Sở Tài nguyên-Môi trường triển khai các công việc cụ thể và báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 31/7/2016. Thế nhưng đã 4 tháng trôi qua, nhiều đơn vị hầu như chưa triển khai, thực hiện những nhiệm vụ mà UBND tỉnh giao này.

Cụ thể, theo chỉ đạo của UBND tỉnh thì UBND thị xã Gia Nghĩa có trách nhiệm di dời, tháo dỡ đối với tất cả các lồng cá nuôi tự phát trên lòng hồ; Xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng xây dựng trái quy hoạch, không có giấy phép xây dựng các ga ra ô tô theo quy định; có công văn yêu cầu các cơ sở ga ra ô tô tiến hành di dời bảo đảm đúng quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Hướng dẫn, kiểm tra các chủ ga ra thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

ADQuảng cáo

Chỉ đạo là vậy nhưng trong suốt thời gian qua, UBND thị xã Gia Nghĩa mới dừng lại ở việc ra văn bản chỉ đạo UBND phường và các phòng chức năng triển khai làm một số công việc, còn kết quả làm được thực chất như thế nào thì không nắm được.

Nguy cơ ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn nhưng ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa lại cho rằng: Hiện nay, việc di dời các lồng cá giao cho phường Nghĩa Phú làm tương đối tốt. Khu vực này đã có 6/7 lồng cá di dời đến vị trí cho phép, tức là cách xa trạm bơm của công ty nước là 2 km về hạ nguồn theo quy định. Còn về các ga ra ô tô, UBND thị xã hiện cũng không biết đơn vị nào cấp phép hoạt động, vì những cơ sở này có trước thời điểm nhà máy thủy điện tích nước nên cũng chưa biết xử lý như thế nào. Về bảo đảm môi trường trong hoạt động, các ga ra này đều có cam kết và thực hiện theo tương đối tốt.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh thêm: “Hiện nay, nguồn nước vẫn bảo đảm và đến đời con cháu của chúng ta vẫn bảo đảm chứ không có vấn đề gì”.

Rõ ràng, vì tin tưởng cấp dưới, thiếu kiểm tra, giám sát nên UBND thị xã Gia Nghĩa không nắm bắt được tình hình. Nguy cơ ô nhiễm sẽ ngày càng trầm trọng hơn nếu như ngay từ bây giờ, UBND thị xã Gia Nghĩa không quyết liệt để triển khai những biện pháp trước mắt, cũng như mang tính lâu dài.

Ở góc độ cơ quan chuyên môn, ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi trường cho biết: Nhiệm vụ chính về ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước hồ thủy điện Đắk R’tíh hiện nay là cưỡng chế các lồng cá buộc phải di dời, tiến tới chấm dứt hoạt động nuôi và xử lý các ga ra ô tô. Công việc này giao cho UBND thị xã Gia Nghĩa thực hiện nhưng đến nay, địa phương này vẫn chưa có báo cáo kết quả thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Sắp tới, Sở sẽ kiểm tra thực tế để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xử lý kiên quyết”. Đối với công tác quy hoạch, các ngành liên quan hiện vẫn chưa có các hoạt động cụ thể để triển khai theo hướng phát triển bền vững hồ thủy điện Đắk R’tíh.

Nước thải từ ga ra ô tô Phú Thịnh, tổ dân phố 6, phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) xả thải trực tiếp xuống lòng hồ thủy điện Đắk R’tíh

Phải vì sức khỏe của hơn 6.000 hộ gia đình

Nguồn nước hồ thủy điện Đắk R’tíh hiện nay đang được Công ty Cổ phần Cấp nước và Phát triển đô thị Đắk Nông lấy, xử lý là nguồn nước chính để cung cấp cho 6.000 hộ gia đình, với hơn 30.000 người sử dụng hằng ngày. Số lượng này trong tương lai gần sẽ tăng lên gấp nhiều lần khi Công ty sẽ lấy nước từ lòng hồ này cung cấp cho người dân khu vực Nhân Cơ, Kiến Đức (Đắk R’lấp). Vì thế, trước nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước hồ thủy điện Đắk R’tíh nếu không được ngăn chặn kịp thời, có những giải pháp căn cơ phát triển bền vững thì tình trạng này sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đời sống của người dân.

Việc thiếu trách nhiệm của các ngành, địa phương đang xem thường sức khỏe của 6.000 hộ gia đình, với hàng chục ngàn người là chuyện không thể xem nhẹ. Nhiều gia đình hiện nay cũng đang băn khoăn và đề nghị các cơ quan, địa phương liên quan sớm vào cuộc vì sự phát triển bền vững của xã hội, không thể chủ quan hoặc thiếu trách nhiệm mà để lại hậu quả lâu dài cho các thế hệ sau này.

Ông Nguyễn Công, Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước và Phát triển đô thị Đắk Nông cho biết: “Trước tình trạng nguy cơ ô nhiễm nước hồ thủy điện, Công ty đã nhiều lần cử cán bộ, nhân viên xuống tuyên truyền, vận động và nắm bắt tình hình. Tuy nhiên, thẩm quyền của Công ty cũng chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền vận động, khuyến cáo các cơ sở, hộ gia đình còn các nhiệm vụ về xử lý, yêu cầu di dời, quy hoạch phát triển bền vững thuộc trách nhiệm của các ngành chuyên môn và UBND thị xã Gia Nghĩa. Công tác này trong suốt thời gian qua hình như đang bỏ mặc cho doanh nghiệp tự lo”. 
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nguy cơ ô nhiễm nguồn nước hồ thủy điện Đắk R'tíh: Các ngành, địa phương còn lơ là trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO