Xử lý chất thải y tế, còn nhiều khó khăn

Vũ Trang| 14/09/2015 10:14

Hiện nay, trong các nguồn xả thải ra môi trường, chất thải y tế được xem là nguồn thải độc hại, ảnh hưởng lớn đến môi trường cũng như sức khỏe con người. Tuy nhiên, việc quản lý cũng như xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.

ADQuảng cáo

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 8 bệnh viện đa khoa với tổng số giường bệnh được sử dụng là 897 giường. Ngoài ra, các trung tâm y tế huyện, thị xã, trung tâm y tế chuyên khoa, trạm y tế xã, phường và gần 200 cơ sở hành nghề y tư nhân...đều có nguồn xả thải ra môi trường mỗi ngày.

Qua khảo sát của Sở Y tế cho thấy, trong năm 2015, mỗi ngày tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh khoảng 1.087kg. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt khoảng 890 kg và chất thải rắn lây nhiễm khoảng 179 kg, chất thải hóa học khoảng 18 kg. Mức độ phát sinh chất thải y tế trung bình cả tỉnh khoảng 1,18 kg/giường bệnh/ngày. Mức độ phát sinh chất thải y tế lây nhiễm trung bình 0,19 kg/ giường bệnh tùy theo mức độ, đặc thù, quy mô và số lượng bệnh nhân.

Hiện nay, các bệnh viện đa khoa trên địa bàn tỉnh đang áp dụng mô hình xử lý chất thải rắn y tế tại chỗ. Theo đó, các bệnh viện được trang bị lò đốt chất thải y tế nguy hại chạy bằng dầu diezel và tất cả lò đốt đều đặt trong khuôn viên của các bệnh viện.

Riêng các bệnh viện đa khoa huyện Đắk Glong và Tuy Đức hiện vẫn chưa được đầu tư lò đốt nên đang sử dụng các lò đốt xây dựng rất thô sơ đặt bên ngoài khuôn viên bệnh viện, không có nhà xử lý, công suất từ 1-2kg/ ngày. Đến nay, các lò đốt này đã xuống cấp và hư hỏng, khói thải ra gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của cán bộ y tế, bệnh nhân cũng như người dân xung quanh.

ADQuảng cáo

Điều đáng nói, cùng với việc mở rộng mạng lưới chăm sóc sức khỏe nhân dân thì lượng chất thải y tế phát sinh cũng tăng. Cụ thể, đến năm 2020, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh sẽ được mở rộng và phát triển lên thành 1.450 giường bệnh, tăng 553 giường bệnh so với hiện tại.

Dự báo tổng khối lượng chất thải rắn y tế trên địa bàn tỉnh sẽ là 1.691 kg/ngày. Trong đó, chất thải rắn y tế lây nhiễm là 277 kg, chất thải hóa học là 28 kg, chất thải sinh hoạt là 1.386 kg. Với khối lượng chất thải y tế như trên, đòi hỏi ngành y tế phải có giải pháp tổng thể như thu gom, vận chuyển, xử lý... để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.

Trước thực tế trên, trước mắt, ngành sẽ tăng cường việc kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các bệnh viện thực hiện tốt quy chế quản lý rác thải y tế. Việc tập huấn, đào tạo, hướng dẫn cho cán bộ, nhân viên y tế làm tốt công tác phân loại rác, thu gom và xử lý đúng cách tại các khoa, phòng cũng sẽ được đẩy mạnh, nhằm hạn chế nguy cơ ô nhiễm.

Về lâu dài, ngành Y tế đã xây dựng kế hoạch quản lý chất thải bệnh viện giai đoạn 2015-2020. Theo đó, ngành sẽ đầu tư mới cũng như sửa chữa 8 thiết bị xử lý chất thải rắn y tế nguy hại quy mô nhỏ tại chỗ cho các bệnh viện đa khoa, với việc sử dụng công nghệ tích hợp nghiền cắt trong cùng khoang xử lý, đảm bảo toàn bộ các lưỡi cắt được xử lý khử khuẩn cùng chất thải, hạn chế tối đa lây nhiễm chéo trong vận hành.

Đồng thời, việc đầu tư xây dựng các bể cô lập các loại chất thải sắc nhọn, tro lò đốt, tiêu hủy chất thải giải phẫu bảo đảm các quy định về chôn chất thải y tế nguy hại theo nhu cầu cũng sẽ được tính đến.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý chất thải y tế, còn nhiều khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO