Ứng xử thân thiện với môi trường là thể hiện đạo đức, văn hóa

Tường Mạnh| 03/06/2016 09:11

Vào tối thứ bảy, 28/5 mới đây, tại Quảng trường TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã diễn ra sự kiện Ngày hội tri ân khách hàng do Công ty Cổ phần bia rượu, nước giải khát Hà Nội (HBECO) tổ chức.

ADQuảng cáo

Công tác tại Đắk Nông, nhưng do gia đình vẫn ở Buôn Ma Thuột, nên tối đó, tôi cũng có dịp đưa cả nhà đi ra quảng trường xem. Chắc chẳng có gì đáng nói nếu tại sự kiện không nảy sinh những vấn đề khá phản cảm, nếu không muốn nói là đáng xấu hổ về việc thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng của người dân thành phố.

Số là, cùng với thưởng thức chương trình ca nhạc, giao lưu sôi động thì những người có mặt tại sự kiện còn được phục vụ bia miễn phí uống thoải mái tại một gian hàng gần đó. Bia được đựng trong các cốc nhựa và cung cấp ngay tại chỗ cho mọi người có nhu cầu. Vậy là từng nhóm người chen chúc nhau đến gian hàng lấy bia và sau đó là tụm năm, tụm bảy ngồi ngay trên các bãi cỏ, nền đá hoa của quảng trường để uống. Bia phục vụ miễn phí, nên các nhóm thanh niên tha hồ uống, lấy hết đợt này đến đợt khác, coi như được một bữa thả giàn không mất tiền.

Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là sau khi thưởng thức bia xong là nhiều người “vô tư” vứt bừa bãi các cốc nhựa ngay tại chỗ thành từng đống lớn. Trong khi đó, ở các góc của quảng trường cũng có đặt sẵn khá nhiều thùng nhựa đựng rác, nhưng hầu như chẳng thấy ai quan tâm đến chuyện bỏ cốc nhựa vào thùng. Vậy mà, trong suốt thời gian diễn ra chương trình, ban tổ chức sự kiện chẳng có một lời nào nhắc nhở người dân chú ý đến việc giữ gìn vệ sinh môi trường.

Sáng hôm sau, như thường lệ, tôi ra khu vực này đi bộ tập thể dục thì chứng kiến cảnh tượng cả quảng trường rộng lớn bị phủ trắng xóa bởi hàng nghìn chiếc cốc nhựa, hộp xốp. Các đường phố xung quanh quảng trường cũng xuất hiện những đống rác đủ loại do các hàng quán đêm trước thải ra.

Sau đó, việc xử lý số lượng lớn rác thải này không ai khác chính là các nhân viên vệ sinh môi trường có nhiệm vụ dọn dẹp tại đây. Quả thật, nhìn cảnh tượng đó, tôi thật sự cảm thấy xấu hổ cho thành phố được xem là đô thị loại I-nơi mà gia đình tôi đang sinh sống.

ADQuảng cáo

Chuyện xảy ra ở tỉnh bạn, nhưng cũng xin được kể ra ở đây, bởi vì tình trạng người dân xả rác bừa bãi ở những địa điểm công cộng là chuyện “thường thấy” ở nhiều tỉnh, thành phố khác, trong đó có cả tỉnh Đắk Nông chúng ta.

Lâu nay, báo chí, công luận đã lên tiếng cảnh báo, nói rất nhiều về sự vô cảm, thiếu ý thức của một bộ phận người dân khi thường “vô tư” xả rác bừa bãi tại các nơi diễn ra sự kiện, lễ hội, hay bãi biển, khu du lịch sinh thái...

Ngay ở nhiều địa phương của Đắk Nông hiện nay cũng đang “đau đầu” trong việc thực hiện tiêu chí môi trường thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới. Nguyên nhân một phần lớn cũng xuất phát từ tình trạng người dân ở các vùng quê còn vô ý thức, xả rác sinh hoạt bừa bãi ra môi trường sống xung quanh, dọc hai bên quốc lộ, tỉnh lộ mà chính quyền địa phương chưa có giải pháp, biện pháp xử lý một cách triệt để.

Tại Điều 43, Hiến pháp năm 2013 đã nêu rõ: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Bởi vì, song song với trách nhiệm của Nhà nước, bảo vệ môi trường còn là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi công dân, của toàn thể cộng đồng. Bảo vệ môi trường không nhất thiết là mỗi người đưa ra một kế hoạch đồ sộ hay chế tạo ra những phương tiện hiện đại. Thay vào đó, chỉ cần những những hành động đơn giản như tiết kiệm điện, nước, giữ gìn vệ sinh đường phố, nơi ở, trồng cây xanh... là mỗi người đã thể hiện sự quan tâm, ý thức bảo vệ môi trường.

Ứng xử thân thiện với môi trường là đối xử tốt với chính mình và cũng là thể hiện đạo đức, văn hóa của mỗi cá nhân, tổ chức trong xã hội, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái cộng đồng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng xử thân thiện với môi trường là thể hiện đạo đức, văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO