Tìm hướng sử dụng hiệu quả đất sau khai thác bô xít (kỳ 3): Chờ được "bật đèn xanh"

Hồng Thoan| 24/12/2020 08:37

Dự án khai thác bô xít sẽ hoạt động trong vòng 30 năm, với hơn 3.074 ha đất được hoàn trả. Quỹ đất này là rất lớn, phù hợp với các nhu cầu về đầu tư, phát triển. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có chủ trương để tái sử dụng quỹ đất này.

ADQuảng cáo

Chờ phản hồi từ cấp trên

Thời gian qua, UBND tỉnh Đắk Nông đã nhiều lần kiến nghị với các bộ, ngành, Chính phủ về vấn đề giao cho tỉnh tái sử dụng đất sau khai thác bô xít. Thế nhưng, đến nay các kiến nghị này vẫn chưa chính thức được phản hồi.

Việc trồng thử nghiệm các loại cây trên đất sau hoàn thổ đã được triển khai

Nếu như kiến nghị của tỉnh được đồng ý, Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV sẽ tiến hành điều chỉnh Đề án cải tạo, phục hồi môi trường để đưa vào sử dụng hiệu quả quỹ đất sau khai thác bô xít.

Ông Mai Chiến Thắng, Phó Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV cho biết: "Thực tế thì đây là sự chủ động của tỉnh Đắk Nông, nên nếu phải điều chỉnh Đề án cải tạo, phục hồi môi trường, Công ty sẽ tốn thêm công sức, chi phí phát sinh, nhưng rất ủng hộ".

Theo ông Thắng, Công ty và Tập đoàn TKV luôn muốn thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội từ dự án, trong đó có cả việc sử dụng tốt tài nguyên đất của Đắk Nông.

Xói mòn đất là vấn đề cần quan tâm hàng đầu đối với đất sau khai thác bô xít

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chậm đưa vào sử dụng quỹ đất sau khai thác bô xít, nhiều cơ hội đầu tư có thể bị bỏ lỡ. Ông Lê Trọng Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho rằng, việc sử dụng đất bảo đảm hiệu quả đã được nêu trong Nghị quyết 01 của Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Tỉnh đặt ra mục tiêu, nếu được sử dụng đất sau khai thác bô xít, sẽ dùng để ổn định cuộc sống, canh tác, sinh kế cho người dân bị thu hồi đất giải phóng mặt bằng. Tỉnh dùng quỹ đất này để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Quỹ đất này có thể sử dụng vào phát triển khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch.

ADQuảng cáo

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên, không chỉ địa phương, mà người dân được lợi, Công ty Nhôm Đắk Nông cũng được hưởng lợi từ việc giao cho tỉnh sử dụng đất sau khai thác bô xít. Cụ thể là Công ty không còn phải trả tiền thuê đất lên đến 30 năm, thay vì chỉ cần thuê 2-3 năm.

Các khu vực thực hiện dự án giai đoạn 30 năm

Chủ động nghiên cứu, chuẩn bị

Trong khi đang chờ ý kiến đồng ý của Trung ương, tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường thuê đơn vị tư vấn nghiên cứu đặc điểm đất sau khai thác bô xít làm cơ sở đề xuất hướng sử dụng hợp lý. Ngành chức năng địa phương cũng vào cuộc, triển khai các đề tài khoa học trên nguồn đất này.

Cụ thể như đề tài do Sở Khoa học - Công nghệ Đắk Nông phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu, quan trắc Môi trường nông nghiệp miền Trung và Tây Nguyên (thuộc Bộ Nông nghiệp- PTNT) thực hiện. Đề tài này đã thử nghiệm trồng nhiều loại cây ngắn ngày như khoai lang, ngô, đậu đen; cây dài ngày như mít, bơ; cây lâm nghiệp như keo, sao đen, muồng đen.

Muồng hoa vàng được cơ quan chuyên môn trồng để bảo vệ, cải tạo đất sau khai thác bô xít

Kết quả đánh giá đề tài có nhiều thuận lợi khi trồng cây trên diện tích hoàn thổ. Hầu hết cây trồng đều cho thấy khả năng phát triển, sinh trưởng tốt. Vấn đề "lăn tăn" duy nhất mà đề tài chỉ ra là sự ổn định của đất còn thấp, dễ bị rửa trôi, xói mòn. Nguyên nhân là đất còn thiếu kết dính do mới được hoàn thổ.

Ông Lê Hồng Lịch, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, quan trắc Môi trường nông nghiệp Tây Nguyên cho biết, biện pháp tốt nhất để xử lý xói mòn là trồng cây che chắn, tạo thảm cỏ. Chỉ cần vài mùa mưa, đất sẽ kết dính trở lại và sản xuất bình thường.

Theo ông Lê Hồng Lịch, để nghiên cứu, đưa đất sau khai thác bô xít vào sử dụng, trước tiên Trung ương cần sớm đồng ý với kiến nghị của tỉnh, bàn giao lại đất càng sớm càng tốt. Điều này là thật sự cần thiết, có động lực lớn với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm hướng sử dụng hiệu quả đất sau khai thác bô xít (kỳ 3): Chờ được "bật đèn xanh"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO