Tìm giải pháp quản lý hạn hán cho vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên

Hoài An| 28/06/2016 09:40

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) vừa tổ chức Hội thảo quốc tế về “Quản lý hạn hán tổng hợp vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong bối cảnh biến đổi khí hậu: Thách thức và giải pháp” với sự tham gia của 7 tỉnh và các tổ chức quốc tế.

ADQuảng cáo

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, nguyên nhân hạn hán không chỉ do điều kiện khí tượng thủy văn phức tạp, mà còn do việc quản lý thảm thực vật, công tác bảo vệ rừng đầu nguồn, quản lý sử dụng nguồn nước chưa tốt, dẫn đến diện tích và chất lượng rừng suy giảm; việc điều tiết dòng chảy giữa mùa lũ và mùa cạn không đạt kết quả cao, làm cho dòng chảy về mùa khô bị suy giảm, tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất nông nghiệp trong vùng. 

Hạn hán kéo dài cùng với nguồn nước tích trữ tại các hệ thống thủy lợi ở vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên không đáp ứng được việc tưới để sản xuất, cho nên dự kiến trong vụ hè thu năm 2016, khu vực này có hơn 25.000 ha đất trồng lúa phải dừng sản xuất vì thiếu nước; nhiều diện tích cây trồng khác có khả năng bị thiếu nước tưới vào thời điểm giữa và cuối vụ. Tây Nguyên có rất nhiều hồ đập do Nhà nước đầu tư nhưng đến nay mới chỉ có 25% cây công nghiệp được tưới từ nguồn nước này.

Hạn hán mới chỉ được nhìn nhận từ góc độ do thiên nhiên gây ra nhưng còn có nguyên nhân từ con người. Việc quản lý và quy hoạch sử dụng nước tưới đang có nhiều bất cập vì thiếu chiến lược nước cho các loại cây trồng. Đề xuất cấp bách của các bên là Việt Nam phải chuyển sang một nền kinh tế nước. Chủ trương miễn thủy lợi phí cần được xem xét lại để người dân tiếp cận nước một cách có ý thức.

ADQuảng cáo

Tại hội thảo, hệ thống công nghệ giám sát, dự báo hạn hán bằng vệ tinh và viễn thám đã được các tổ chức quốc tế chia sẻ. Thông số mưa và hạn sẽ được cung cấp trước 6 tháng. Với công nghệ này, Việt Nam có thời gian để chuẩn bị kế hoạch ứng phó với hạn, đặc biệt là El Nino gay gắt như thời gian qua, tránh rơi vào tình trạng thụ động khiến thiệt hại do hạn hán không được kiểm soát.

Các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam (VAWR); Trung tâm Thiên tai Thái Bình Dương (ADPC); Trung tâm nghiên cứu và phát triển tài nguyên (Cộng hòa Liên Bang Đức)… cũng đã đưa ra các giải pháp như: Tăng cường phát triển khung quản lý hạn và kế hoạch hành động ứng phó hạn hán cho Việt Nam; Điều tiết dòng chảy; Định hướng chuyển đổi cây trồng phù hợp… nhằm nâng cao chất lượng quản lý hạn hán tổng hợp tại vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Theo Bộ NN và PTNT mục tiêu của Hội thảo quốc tế lần này, ngoài việc tiếp thu các giải pháp do các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra, vấn đề cấp bách nhất là các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức đối với mọi người trong việc quản lý, sử dụng nguồn nước một cách phù hợp. Bởi, nếu không giải quyết triệt để tình trạng gieo trồng tự phát, vượt quy hoạch cấp nước ở những vùng không có công trình thủy lợi phụ trách tưới hoặc công trình thủy lợi nhỏ không đủ năng lực phục vụ và không có giải pháp quản lý nguồn nước tốt hơn, thì vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên sẽ tiếp tục bị thiệt hại nhiều hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp quản lý hạn hán cho vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO