Tìm giải pháp “gỡ khó” cho các doanh nghiệp khai khoáng

Lê Phước| 06/03/2017 14:09

Tính đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh Đắk Nông đã cấp 42 giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn cho 38 đơn vị.

ADQuảng cáo

Phần lớn các doanh nghiệp được cấp phép tập trung vào khai thác các loại khoáng sản gồm: Kim loại, đá xây dựng, cát xây dựng, than bùn và đất sét. Trong năm 2016, UBND tỉnh cũng cấp 5 giấy phép thăm dò khoáng sản và phê duyệt 5 khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường.

Một số mỏ đá tại Đắk Nông hoạt động cầm chừng do nhu cầu về vật liệu xây dựng giảm mạnh trong thời gian gần đây

Cũng trong năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tham mưu UBND tỉnh ra quyết định thu hồi giấy phép khai khoáng của 3 doanh nghiệp vì không triển khai xây dựng cơ bản mỏ để đưa vào hoạt động hoặc có sai phạm các quy định trong luật Khoáng sản.

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng ra quyết định tước quyền sử dụng giấy phép khai khoáng từ 4 - 6 tháng đối với 12 đơn vị do nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong năm 2014 và 2015. Mới đây, UBND tỉnh đã có quyết định cho phép 5 đơn vị hoạt động bị tước giấy phép khai thác trở lại. Như vậy, hiện toàn tỉnh chỉ còn 32 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực.

ADQuảng cáo

Cuối năm 2016 vừa qua, Sở TN&MT Đắk Nông đã phối hợp với Cục Thuế tỉnh tổ chức gặp gỡ, tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bị tạm tước quyền khai thác khoáng sản. Tại buổi gặp, đại diện các doanh nghiệp cho biết đang nỗ lực trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai khoáng, thuế tài nguyên và thuế bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị đã nêu lên những khó khăn trong quá trình hoạt động dẫn đến việc nợ thuế đối với nhà nước.

Theo ông Đàm Quang Trung, Giám đốc Sở TN&MT, đa phần doanh nghiệp khai khoáng trên địa bàn được cấp phép khai thác VLXD thông thường (cát, đá). Những năm trước, nhu cầu đầu tư xây dựng công, đặc biệt là đường giao thông (trong đó có đường Hồ Chí Minh qua địa bàn) tại tỉnh tăng cao nên các doanh nghiệp được cấp phép đăng ký công suất, sản lượng khai thác khá lớn. Nhưng gần đây, các công trình đầu tư công của tỉnh rất ít, nhu cầu về VLXD giảm mạnh khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề tìm đầu ra.

Khai thác nhưng không bán được, nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng và đăng ký xin được giảm công suất, kéo dài thời hạn cấp phép. Tuy nhiên, các cấp có thẩm quyền địa phương không thể điều chỉnh vì không có điều khoản này trong quy định của pháp luật. Đây là khó khăn mang tính khách quan của các doanh nghiệp nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư và tình hình thu thuế tại địa phương.

Cũng theo ông Trung, nhiều doanh nghiệp khai khoáng trên địa bàn có năng lực nên khi họ gặp khó khăn mang tính khách quan, các cấp có thẩm quyền cũng cần tập trung tháo gỡ. Mới đây, Sở TN&MT đã thống nhất với Cục Thuế tỉnh Đắk Nông và các doanh nghiệp về việc đề nghị được tổ chức hội nghị gặp gỡ với lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành có liên quan để cùng tháo gỡ khó khăn cho họ. Riêng các doanh nghiệp yếu kém năng lực, cố tình chây ì nghĩa vụ tài chính, Sở TN&MT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh kiên quyết xử lý nghiêm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp “gỡ khó” cho các doanh nghiệp khai khoáng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO