Thực hiện thí điểm kê khai, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại 4 xã điểm: Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Bảo Anh| 09/06/2015 09:46

Chủ trương thí điểm kê khai, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nguồn gốc lấn chiếm đất rừng trong thời gian từ ngày 1/7/2004 đến ngày 1/1/2010 đã được UBND tỉnh thu hồi từ các nông, lâm trường giao về cho các địa phương quản lý và bố trí sử dụng đang được xem là một động thái tích cực. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thực hiện cho thấy, công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.

ADQuảng cáo

Nhiều diện tích đất rừng bị người dân lấn chiếm ở huyện Tuy Đức vẫn chưa được đăng ký, kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Hơn 24% dện tích không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận

Theo kế hoạch thì 4 xã được chọn làm thí điểm kê khai, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đợt này gồm: Đắk R’tíh (Tuy Đức), Đắk Hòa (Đắk Song), Quảng Khê (Đắk Glong) và Nhân Đạo (Đắk R’lấp), với tổng diện tích dự kiến theo kế hoạch là 2.301 ha. Tuy nhiên, sau khi rà soát thì diện tích cần kê khai đăng ký còn hơn 2.019 ha. Phần diện tích còn lại không phải kê khai, đăng ký chủ yếu là sông, suối, đường giao thông, hành lang lưới điện…

Qua thời gian triển khai thực hiện cho thấy, nhìn chung, các xã đã tổ chức triển khai thực hiện công tác kê khai, đăng ký đất theo đúng quy định. Trong đó, tổng số diện tích đã kê khai, đăng ký của 4 xã thực hiện được 1.915 ha, đạt hơn 94,8% kế hoạch. Khối lượng đã được cấp giấy chứng nhận theo hình thức công nhận quyền sử dụng đất là hơn 1.283 ha, đạt 63,6% kế hoạch. Số diện tích còn lại bao gồm diện tích đã xét duyệt nhưng không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chiếm hơn 24%; diện tích chưa kê khai đăng ký là hơn 5% và diện tích khác trên 7%.  

Được biết, nguyên nhân ở đây là do trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, giải thích cho người dân ở các địa phương chưa được làm tốt. Một số nơi, do nhận thức của người dân còn hạn chế dẫn đến khó khăn cho việc thực hiện kê khai, đăng ký.

Hầu hết các hộ dân trực tiếp sản xuất ở những khu vực này đều là các hộ xâm canh từ nơi khác đến nên việc tuyên truyền, thông báo gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, tâm lý của người dân không muốn thuê đất dẫn tới những hộ thuộc diện phải thuê đất đã không đến ký hợp đồng làm ảnh hưởng tới tiến độ cấp giấy. Công tác chỉ đạo, đôn đốc của UBND các huyện trong thời gian đầu chưa được quyết liệt, sự phối hợp giữa các đơn vị tư vấn với UBND các xã, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, phòng tài nguyên-môi trường ở các địa phương còn thiếu chặt chẽ…

Tỷ lệ phí, lệ phí thu đạt thấp

ADQuảng cáo

Theo Sở Tài nguyên-Môi trường thì đến nay, tổng số tiền phí và lệ phí đã thu được tại 4 xã điểm mới được hơn 134 triệu đồng từ 17 hộ với 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tương đương với diện tích hơn 21 ha. Trong đó, xã Nhân Đạo: 83,9 triệu đồng, Đắk Hòa: hơn 35 triệu đồng, xã Đắk R’tíh: 5,3 triệu đồng. Riêng xã Quảng Khê đến nay vẫn chưa thu được đồng nào phí, lệ phí.

So với kế hoạch đề ra thì việc thu các khoản phí và lệ phí như trên đạt tỷ lệ quá thấp. Qua rà soát thực tế của cơ quan chức năng cho thấy, các khoản phí và lệ phí tại một số địa phương vẫn chưa được công khai. Công tác phối hợp tổ chức thu phí và lệ phí của một số nơi còn khá rườm rà và thiếu chặt chẽ. Các địa phương cũng chưa thu được các khoản phí và lệ phí đối với diện tích đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước khi triển khai thí điểm vì nhiều trường hợp đã chuyển quyền sử dụng đất cho người khác…

Đơn cử như ở xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) được xem là địa phương có tỷ lệ thu lớn nhất so với các xã còn lại. Theo kế hoạch, số diện tích cần kê khai là gần 25 ha nhưng trên thực tế, địa phương mới chỉ thu phí và lệ phí được từ 11 hộ dân với diện tích hơn 15 ha, đạt tỷ lệ hơn 62%.

Mặc dù trong quá trình thực hiện, địa phương cũng đã được nhiều người dân đồng tình, ủng hộ. Theo ông Nguyễn Tạo, Phó Chủ tịch UBND xã Nhân Đạo thì nguyên nhân là vì một số hộ dân cho rằng do mức thu cao nên hiện tại chưa đủ khả năng để thực hiện nghĩa vụ tài chính. Số hộ còn lại thì “sổ đỏ” đã thực hiện thế chấp tại ngân hàng nên cũng chưa thực hiện được nghĩa vụ này…

Khắc phục những tồn tại để triển khai đại trà

Thực tế cho thấy, mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng sau một thời gian triển khai thí điểm kê khai, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã không chỉ giúp cho công tác quản lý Nhà nước về đất đai ngày một hiệu quả, hạn chế được tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai và chống thất thu ngân sách từ đất cho Nhà nước, mà còn đảm bảo việc sử dụng đất của người dân được hợp pháp. Vì vậy, để tiếp tục thực hiện tốt Kế hoạch 437/KH-UBND, ngày 10/10/2014 của UBND tỉnh, trong thời gian tới, ngoài việc đánh giá, rút kinh nghiệm triển khai thực hiện tại các địa phương, ngành Tài nguyên-Môi trường cũng đã đưa ra một số giải pháp thực hiện cụ thể.

Theo đó, ngành sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng quy chế phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như chuyển thông tin thuế, thu phí và lệ phí đo đạc, kê khai đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tại trụ sở UBND các xã và hội trường các thôn, bon cũng sẽ được dán công khai các khoản phí và lệ phí để người dân biết, thực hiện.

Hoạt động kê khai thuế, phí và lệ phí đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được các đơn vị thực hiện cùng với quá trình kê khai, đăng ký. Việc thu thuế, phí, lệ phí và trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng sẽ được thực hiện ngay tại UBND cấp xã, nhằm giảm thời gian đi lại cho người dân. Công tác kiểm tra, thẩm tra hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các phòng tài nguyên-môi trường, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất ở các địa phương cũng sẽ được thực hiện ngay trong quá trình xét duyệt tại UBND cấp xã để rút ngắn thời gian thực hiện…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện thí điểm kê khai, đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại 4 xã điểm: Còn nhiều khó khăn, vướng mắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO