Thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU: Kết quả và những hạn chế

Lê Dung| 29/09/2015 14:56

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 15/11/2010 của Tỉnh ủy về quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, khoáng sản của tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 (NQ 02), đến nay, mặc dù đã đạt nhiều kết quả, nhưng vẫn còn các hạn chế nhất định cần tiếp tục có giải pháp tháo gỡ.

ADQuảng cáo

ĐẢM BẢO CÁC QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH TỔNG THỂ

Nhìn chung, qua hơn 4 năm triển khai thực hiện NQ 02, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã đã có nhiều cố gắng trong việc phổ biến, quán triệt, triển khai các nội dung của nghị quyết. Công tác xây dựng văn bản, triển khai và phổ biến, tuyên truyền đã tạo được sự chuyển biến tương đối rõ nét trong nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân. Nhờ đó, việc quản lý, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên, khoáng sản đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng được UBND tỉnh tạo điều kiện cấp giấy phép khai thác, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương

Trong đó, công tác quy hoạch sử dụng đất, tỉnh cũng đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm đầu kỳ (2011-2015); đồng thời, tiến hành lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm đầu kỳ (2011-2015) và được UBND tỉnh phê duyệt. Có 1 thị trấn và 7 xã được phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Công tác đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hoàn thiện hồ sơ địa chính cũng đã được tỉnh quan tâm triển khai. Hiện tại, Sở Tài nguyên-Môi trường đang phối hợp với UBND cấp huyện khẩn trương tiến hành kiểm kê đất đai trên địa bàn, đảm bảo đúng tiến độ theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên-Môi trường và UBND tỉnh… Bên cạnh đó, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện NQ 02, Sở Tài nguyên-Môi trường cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh cấp 48 giấy phép thăm dò với 4 loại khoáng sản chủ yếu như đá bazan làm vật liệu xây dựng, cát xây dựng, sét gạch ngói, than bùn… UBND tỉnh đã cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại 33 khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng và than bùn; 2 giấy phép khai thác khoáng sản ở khu vực phân tán, nhỏ lẻ. Nhiều dự án chế biến sâu khoáng sản cũng đã được triển khai trên địa bàn tỉnh như Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Dự án Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông; Dự án chế biến quặng Antimoan, wolfram, thiếc và các khoáng sản khác đi kèm… Đặc biệt, trong giai đoạn 2011-2014, tỉnh cũng đã được Bộ Tài nguyên - Môi trường triển khai việc điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng tài nguyên quặng bô xít, quặng sắt laterit và đã hoàn thành công tác đo vẽ bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000…
Ngoài ra, việc quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên nước, rừng cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống cơ chế, chính sách từng bước được xây dựng. Theo đó, trong năm 2014, các quyết định về quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sêrêpốk và quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai trong mùa lũ hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ kịp thời ban hành, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước của địa phương…

ADQuảng cáo

CÒN NHIỀU BẤT CẬP…

Hạn chế đầu tiên đó là nhiều địa phương chưa chú trọng tới công tác lập quy hoạch sử dụng đất, chưa bám sát nhu cầu thực tế nên tính khả thi không cao. Mối quan hệ giữa các loại quy hoạch chưa được xử lý triệt để dẫn đến sự chồng lấn, xung đột giữa các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành. Mặt khác, phần lớn diện tích mà hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng có nguồn gốc thu hồi từ các công ty lâm nghiệp nên khi UBND xã xét hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì không đủ điều kiện do vướng những quy định khác của Nhà nước. Công tác đo đạc, hoàn thiện hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với diện tích đất có nguồn gốc từ phá rừng sau năm 2004 triển khai chậm do thiếu cơ chế, chính sách và nguồn lực tài chính…

Về tài nguyên khoáng sản, do phân bố rộng, quy mô nhỏ và chưa được điều tra, đánh giá cụ thể nên việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn. Công tác điều tra, đánh giá, lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 lại tập trung chủ yếu ở nhóm khoáng sản là quặng bô xít và quặng sắt laterit, còn các khoáng sản khác vẫn chưa được quan tâm… Việc quản lý tài nguyên nước có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp nhưng thời gian qua chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan nên giá trị của nguồn tài nguyên này trong việc phát triển kinh tế, xã hội chưa phát huy hết. Hiện tại, công tác điều tra cơ bản về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh cũng chưa được triển khai. Việc khai thác sử dụng tài nguyên nước của các hộ gia đình, cá nhân còn mang tính tự phát, nhất là khai thác nước dưới đất phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, dẫn đến suy giảm số lượng và chất lượng nguồn tài nguyên nước trên địa bàn.

CẦN SỚM TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP

Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa NQ 02, Sở Tài nguyên-Môi trường cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh đề ra nhiều giải pháp thực hiện cụ thể trong thời gian tới. Theo đó, ngoài việc tuân thủ quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất 5 năm đầu kỳ mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, ngành cũng sẽ tiếp tục điều chỉnh bổ sung quy hoạch cho phù hợp với thực tế kinh tế, xã hội của tỉnh giai đoạn 2016-2020. Chú trọng hơn đến việc tạo vốn từ quỹ đất, tăng nguồn thu từ đất. Tham mưu cho tỉnh kiến nghị với Bộ Tài nguyên-Môi trường ưu tiên điều tra và lập bản đồ khoáng sản trên địa bàn tỉnh tỷ lệ 1:50.000 và tỷ lệ 1:10.000 đối với những khu vực khoáng sản có nhiều tiềm năng và triển vọng. Nguồn tài nguyên nước cũng sẽ ngày càng được quản lý chặt chẽ và có kế hoạch khai thác, sử dụng một cách cụ thể, hợp lý và tiết kiệm. Trước mắt, ngành sẽ tập trung xây dựng và ban hành quy định về quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh…
Hy vọng với sự nỗ lực của các cấp, ngành liên quan, việc quản lý, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng hiệu quả hơn, góp phần phát huy thế mạnh của địa phương và bảo vệ môi trường một cách bền vững nhất.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU: Kết quả và những hạn chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO