Tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản

Lê Phước| 16/01/2018 08:38

Theo Sở TN&MT, thời gian gần đây, công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đạt được những kết quả nhất định. Nhiều đơn vị khai thác khoáng sản vi phạm đã bị đình chỉ để khắc phục hậu quả, thậm chí bị rút giấy phép.

ADQuảng cáo

Hoạt động quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản của chính quyền cơ sở một số nơi còn lỏng lẻo (Trong ảnh: Hoạt động khai thác đá trái phép ở thôn Đắk Tân, xã Đắk Nia, Gia Nghĩa bị phát hiện, xử lý)

Trong năm 2017, ngoài rút giấy phép hoạt động khai thác đá của Công ty TNHH TM-DV Thiên Nhân II, Sở TN&MT cũng tham mưu UBND tỉnh thu hồi giấy phép khai thác và đóng cửa mỏ khoáng sản của 2 đơn vị khác là Doanh nghiệp Tư nhân Vân Anh Hoàng Diệu (mỏ cát ở thôn 6, xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp) và Công ty TNHH Phúc Vinh (mỏ đá bazan tại xã Đắk R’moan, thị xã Gia Nghĩa).

Nguyên nhân 2 doanh nghiệp này bị thu hồi là do nợ hàng trăm triệu đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và các khoản phí khác. Như vậy, hiện toàn tỉnh chỉ còn 39 giấy phép khai thác khoáng sản (chủ yếu là đá, cát xây dựng và một số kim loại thông thường) còn hiệu lực. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản tại một số khu vực vẫn còn nhiều bất cập, tạo thành “điểm nóng”.

Đơn cử như hoạt động khai thác cát trên sông Krông Nô (giáp ranh giữa tỉnh ta và Đắk Lắk) gây sạt lở bờ sông, mất đất sản xuất của người dân diễn ra trong thời gian dài mà chưa được xử lý triệt để, gây bức xúc trong dư luận.

ADQuảng cáo

Một điểm đáng lưu ý là tại những khu vực có khoáng sản nhưng chưa được cấp phép, hoạt động khai thác trái phép vẫn còn diễn ra. Có thể kể đến một số “địa chỉ” bị phát hiện trong thời gian qua như: mỏ đá Đắk Tân, xã Đắk Nia; mỏ đá phường Nghĩa Tân (thị xã Gia Nghĩa)…

Điều đáng nói là hoạt động khai thác trái phép diễn ra khá rầm rộ và trong thời gian dài nhưng chính quyền địa phương vẫn “không hay biết”. Chỉ đến khi người dân phản ánh, cơ quan báo chí vào cuộc thông tin thì các điểm khai thác này mới được “quan tâm” kiểm tra, xử lý.

Nhiều cán bộ chính quyền địa phương cũng đã bị xem xét kỷ luật vì buông lỏng quản lý. Thế nhưng, dù cán bộ bị xử lý như thế nào, người khai thác trái phép bị xử phạt nặng ra sao thì thực tế đã có hàng ngàn khối đá đã bị đào lên, đưa đi tiêu thụ, gây thất thoát tài nguyên và thất thu thuế địa phương.

Theo bà Trương Thị Đạm Tuyết, Trưởng Phòng Quản lý Khoáng sản - Tài nguyên nước (Sở TN&MT) thì chính quyền địa phương có vai trò rất quan trọng trong quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác. Phân cấp trách nhiệm của UBND các cấp là rất cụ thể nhưng số lượng, chất lượng cán bộ chuyên môn trực tiếp làm công tác quản lý trong lĩnh vực này còn hạn chế so với yêu cầu. Do đó, nhiều vụ việc vi phạm vẫn chưa được phát hiện, xử lý kịp thời. Thời gian tới, ngoài việc tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư về luật Khoáng sản và các văn bản quy phạm pháp luật khác, Sở TN&MT sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, kiểm tra xử lý nghiêm minh, triệt để các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO