Tài nguyên khoáng sản đang bị thất thoát, lãng phí (kỳ 2): Chấn chỉnh toàn diện công tác quản lý và khai thác khoáng sản

Nguyễn Hiền| 12/11/2019 09:50

Tình trạng không chấp hành pháp luật trong quy hoạch, quản lý quy hoạch và khai thác khoáng sản đã làm thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên cũng như nguồn thu của tỉnh. Việc có những giải pháp căn cơ toàn diện nhằm chấn chỉnh tình trạng trên đang đặt ra cấp thiết.

ADQuảng cáo

Công tác quản lý chưa chặt nên mỏ đá ở thôn 10A, xã Đắk Lao (Đắk Mil) vẫn thường xuyên bị khai thác đá trái phép

Lãng phí tài nguyên, thất thu, nợ đọng

Theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, chế tài xử phạt đối với đơn vị cố tình vi phạm còn chưa đủ mạnh, chưa mang tính răn đe. Ý thức tuân thủ pháp luật về thuế của một số doanh nghiệp chưa cao, còn cố tình dây dưa, chây ì không chịu nộp thuế đúng hạn, dẫn đến nợ thuế ngày càng tăng. Qua thực tế giám sát cũng cho thấy, một số doanh nghiệp đã bỏ địa chỉ kinh doanh hoặc địa chỉ kinh doanh không rõ ràng nên việc đôn đốc xử lý nộp và chậm nộp thuế còn hạn chế. Một số doanh nghiệp chỉ xin mỏ để chuyển nhượng kiếm lời hoặc giữ chỗ mà không chấp hành tốt việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, dẫn đến nợ đọng cao.

Một thực tế đáng ngại là hiện nay hầu hết doanh nghiệp khai thác khoáng sản đều ở ngoài tỉnh đầu tư kinh doanh, khai thác khoáng sản. Những doanh nghiệp này chỉ thành lập chi nhánh hạch toán phụ thuộc để khai thác nên chỉ kê khai thuế giá trị gia tăng 2%. Cùng với đó, thuế thu nhập doanh nghiệp nộp theo tỷ lệ phân bổ cho địa phương. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến ngân sách Nhà nước chưa được huy động tối đa. Mặc dù Kiểm toán Nhà nước kiến nghị tỉnh truy thu nợ đọng từ năm 2010-2019 là 6,5 tỷ đồng nhưng đến nay chỉ mới truy thu được 1,8 tỷ đồng.

Cần trách nhiệm từ các đơn vị

Từ thực tế giám sát cho thấy, nguồn tài nguyên khoáng sản đang dần bị khai thác lãng phí, gây thất thoát cả nguồn khoáng sản lẫn thu ngân sách, không được như mục tiêu đề ra. Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh đã đề xuất và kiến nghị cần triển khai một cách đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ và khai thác hiệu quả nguồn khoáng sản.

Theo đó, đối với khoáng sản bazan dạng cột có trữ lượng nhỏ nằm xen ghép với đá xây dựng thông thường nên phân cấp về cho địa phương cấp giấy phép khai thác để quản lý hiệu quả, tránh được tình trạng khai thác trái phép làm thất thu nguồn ngân sách, lãng phí tài nguyên. UBND tỉnh cần xem xét và phân tích kỹ giữa lợi ích kinh tế và thiệt hại môi trường nhằm đưa ra quyết định đúng đắn trong việc xác định quy hoạch mỏ khoáng sản giai đoạn sắp tới. UBND tỉnh cần xem xét, cân nhắc kỹ việc cấp giấy phép mới cho các mỏ dù đã quy hoạch.

ADQuảng cáo

Đối với những sai phạm về quy hoạch chồng lấn đất đai là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước do chưa cập nhật mỏ khoáng sản vào quy hoạch sử dụng đất. Vì vậy, UBND tỉnh cần căn cứ các quyết định trước đây nhằm xem xét cho các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện khai thác theo thời hạn đã cấp phép nhằm bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp. Tỉnh cần nhanh chóng rà soát lại 12 doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy phép khai thác. Doanh nghiệp nào giải thể, phá sản phải thực hiện đề án đóng cửa mỏ theo quy định.

Đối với các điểm mỏ quy hoạch cần tiến hành công tác điều tra cơ bản địa chất để đánh giá chính xác về trữ lượng. Khi tiến hành bàn giao cụ thể mốc giới khu vực khai thác của các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với UBND cấp huyện, xã nhằm quản lý chặt chẽ quá trình khai thác của các doanh nghiệp.

Ngành Công an cần xử lý nghiêm các trường hợp khai thác trái phép đang xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh. Cục Thuế tỉnh thực hiện quyết liệt các biện pháp đôn đốc thu, xử lý thuế nợ đọng theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế. Đồng thời, Cục Thuế tỉnh cần chuyển hồ sơ đối với những doanh nghiệp khai thác khoáng sản chây ì, nợ đọng thuế kéo dài sang cơ quan có thẩm quyền xử lý như thu hồi dự án, giấy phép khai thác hay chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có đến 42 doanh nghiệp nợ thuế, phí bao gồm cả doanh nghiệp đang hoạt động và doanh nghiệp đã ngừng hoạt động. Số thuế, phí nợ đọng lên đến 75,7 tỷ đồng; trong đó nợ có khả năng thu là 25,9 tỷ đồng, nợ khó thu 41,5 tỷ đồng và nợ chờ xử lý là 7,5 tỷ đồng.

Phải có giải pháp toàn diện

Tại phiên họp thường kỳ tháng 10 của Thường trực HĐND tỉnh mới đây, đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, thời gian qua hiệu quả thu lại của việc khai thác tài nguyên là chưa tương xứng với tiềm năng mà còn gây lãng phí lớn. Các đơn vị liên quan cần rà soát lại công tác quản lý, có những hình thức chấn chỉnh toàn diện. UBND tỉnh cần nghiêm túc đánh giá, phân tích lại giá trị tài nguyên, tác động của tài nguyên đối với môi trường. Với thực tế quản lý còn nhiều hạn chế dẫn đến thất thoát tài nguyên và nguồn thu hiện nay, cơ quan thẩm quyền cũng cần nghiên cứu, xem xét việc ngừng cấp mới giấy phép khai thác khoáng sản ở các mỏ chưa khai thác.

Bí thư Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh, do xử lý chưa nghiêm, chỉ mới dừng lại ở xử phạt hành chính nên hiệu lực chưa cao, tình trạng vi phạm trong khai thác vẫn còn diễn ra. Thời gian tới, cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nếu cần thiết phải thu hồi giấy phép khai thác. Công tác hậu kiểm sau khi cấp giấy phép khai thác phải thường xuyên hơn. UBND tỉnh phải đánh giá lại việc phân cấp quản lý từ người dân đến cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Đối với tình trạng nợ đọng và trốn thuế cần nhanh chóng làm rõ đối tượng, trách nhiệm cụ thể của doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như trách nhiệm phối hợp của các cơ quan liên quan.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tài nguyên khoáng sản đang bị thất thoát, lãng phí (kỳ 2): Chấn chỉnh toàn diện công tác quản lý và khai thác khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO