Quản lý, khai thác nguồn nước ngầm: Cảnh báo từ việc mạnh ai nấy làm (Kỳ 3): Đừng để “mất bò… mới lo làm chuồng”

Hà An| 22/11/2016 09:59

Chưa đủ căn cứ để xử phạt, lực lượng chức năng quá mỏng trong khi hoạt động khoan giếng diễn ra hằng ngày, hằng giờ ở khắp mọi nơi nên không thể kiểm soát… , đó là những câu trả lời mà chính quyền các cấp, cơ quan chức năng cho biết khi hỏi đến trách nhiệm quản lý hoạt động khoan giếng, khai thác nước ngầm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện nay.

ADQuảng cáo

Gần chục máy bơm đang ra sức hút nước ở một con suối cạn ở xã Thuận An (Đắk Mil) để phục vụ cho mùa tưới cuối năm 2015

Trước thực trạng dịch vụ khoan giếng nở rộ, vừa qua, UBND huyện Chư Jút đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành do Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện chủ trì kiểm tra các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này. Qua kiểm tra 80 tổ chức, cá nhân cho thấy chỉ có 2 cơ sở đã đăng ký giấy phép kinh doanh và giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất, còn lại 78 tổ chức, cá nhân không có bất kỳ một giấy tờ gì liên quan.

Tuy nhiên, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện cũng chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoàn thiện các giấy tờ, thủ tục pháp lý đúng quy định chứ chưa có biện pháp hành chính mang tính răn đe nào.

Theo chính quyền địa phương, để xử phạt thì phải “bắt tại trận”, tức kiểm tra khi các giàn khoan đang có hoạt động khoan giếng mà không xuất trình được giấy tờ theo quy định. Còn ở đây, Đoàn kiểm tra chỉ kiểm tra theo dạng rà soát, thống kê chứ không kiểm tra hiện trường bởi để tổ chức lực lượng thực hiện theo kiểu này rất khó.

Còn đối với người khai thác nước ngầm, theo quy định hiện nay thì những trường hợp khoan giếng để sử dụng với lưu lượng không vượt quá 10m3/ngày thì không phải xin giấy phép. Đây chính là “khoảng lửng” bởi đa phần người dân khoan giếng đều có mục đích phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Chính quyền các xã cho biết dẫu biết đa phần người dân trên địa bàn khoan giếng với mục đích chính là để lấy nước tưới cà phê, hồ tiêu nhưng khi triển khai công trình, mục đích của họ vẫn là phục vụ sinh hoạt, có lưu lượng dưới 10m3/ngày. Còn khi người dân sử dụng bao nhiêu thì chịu bởi không ai đứng đó mà đo, đếm để xử phạt nếu vượt quá lưu lượng cho phép.

ADQuảng cáo

Các địa phương thì nói như vậy, nhưng thực tế không phải quá khó trong việc phát hiện và xử lý. Theo ông Phạm Văn Đại, thôn 14, xã Nam Dong (Chư Jút), người có thâm niên trong nghề khoan giếng thì ở Đắk Lắk, chỉ cần mang máy ra hiện trường mà bị phát hiện, nếu không xuất trình được giấy tờ là phải mang máy về trụ sở UBND xã để làm việc ngay chứ không phải như ở Đắk Nông, vẫn mạnh ai nấy làm, khá tự do, thoải mái...

Rõ ràng, để bắt “tại trận” một tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoan nước dưới đất là không khó, nhất là với chính quyền địa phương quản lý địa bàn. Bởi một giàn khoan hoạt động ít nhất phải mất đến hàng tuần, máy nổ ầm ầm cả đêm lẫn ngày chứ không thể lén lút như một số hoạt động trá hình khác. Có chăng, chính quyền địa phương đang cố làm lơ, xem đây không phải là việc của mình?

Theo ông Nguyễn Hữu Trung, Trưởng Phòng Khoáng sản - Tài nguyên nước (Sở Tài nguyên - Môi trường) thì liên quan đến quản lý hoạt động khai thác nước ngầm, ngoài các luật, nghị định liên quan, thời gian qua, UBND tỉnh cũng đã có một số văn bản quy định về phân cấp, phân quyền quản lý, xử lý hoạt động khai thác nguồn nước ngầm cho cấp tỉnh, huyện và xã.

Đối với hoạt động khoan giếng để khai thác lưu lượng vừa và nhỏ ở trong dân hiện nay thì thẩm quyền chủ yếu là cấp huyện và xã. Về phía Sở Tài nguyên - Môi trường, đơn vị cũng chỉ tổ chức thanh tra, kiểm tra, tham mưu cho UBND tỉnh trong việc ban hành các quy định hành chính để quản lý, xử lý chứ không thể trực tiếp theo sát từng trường hợp để xử lý.

Cũng theo ông Trung, mặc dù việc phân cấp, phân quyền quản lý, xử lý hiện nay là khá rõ nhưng vấn đề quy rõ trách nhiệm cho cấp nào, ngành nào khi không quản lý tốt vấn đề này hiện nay lại đang khá chung chung.

Rõ ràng, an ninh nguồn nước là vấn đề không của riêng ai. Vì thế, chúng ta không thể cứ theo kiểu mạnh ai nấy làm như hiện nay. Trong khi, chỉ cần mỗi một hành động khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, việc trám lấp các lỗ khoan thăm dò đúng quy cách đã là một hành động góp phần vào hiệu quả trong sử dụng nước bền vững. Vì an ninh nguồn nước, hãy hành động ngay từ bây giờ, trước khi chưa quá muộn chính là thông điệp cần được phát động rộng khắp. Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng” để rồi chính con người phải gánh chịu “hậu quả kép” do nguồn nước suy kiệt và việc khôi phục lại những gì chính chúng ta  đã gây ra.  

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý, khai thác nguồn nước ngầm: Cảnh báo từ việc mạnh ai nấy làm (Kỳ 3): Đừng để “mất bò… mới lo làm chuồng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO