Phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trong mùa mưa: Các ngành chức năng chủ động triển khai

Hồng Thoan| 25/06/2014 09:20

Theo ông Ngô Quốc Hưng, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y thì toàn tỉnh hiện tổng đàn gia súc có hơn 212.000 con, đàn gia cầm trên 1.300.000 con và đang tăng dần vào những tháng cuối năm.

ADQuảng cáo

Trong tháng 5 và 6, đơn vị đã thực hiện kế hoạch tiêm phòng các loại vắcxin phòng, chống bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho toàn bộ đàn gia súc gia cầm. Theo đó, đơn vị đã tiến hành cung ứng, cấp phát hóa chất, thuốc khử trùng cho trạm thú y tất cả các huyện, thị xã và các xã đã từng xảy ra dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Mùi, ở xã Nam Bình (Đắk Song) bổ sung thêm thức ăn cho đàn gà trong mùa mưa

Tính đến nay, ngành cũng đã cấp phát hàng ngàn lít thuốc và hàng tấn vôi bột khử trùng chuồng trại. Bên cạnh đó, công tác tiêm phòng được đặc biệt chú trọng với gần 19.200 con trâu bò được tiêm vắcxin lở mồm long móng, tụ huyết trùng và gần 37.900 con lợn được tiêm vắcxin tụ huyết trùng và dịch tả.

Chi cục cũng thành lập các tổ kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, kiểm dịch vận chuyển, kinh doanh, buôn bán động vật, sản phẩm động vật tại các huyện, xã giáp ranh. Đồng thời, đơn vị cử thêm cán bộ kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh đến tận tổ, xóm nhân dân, trong đó xác định trọng điểm vùng có nguy cơ cao là các xã đã từng xảy ra dịch bệnh, xã chăn nuôi nhiều, khu vực buôn bán nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những nguy cơ có thể bùng phát dịch bệnh.

ADQuảng cáo

Với chức năng của mình, phòng nông nghiệp - PTNT, trạm thú y các huyện, thị xã đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn các hộ thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn, thiết thực. Cụ thể, các đơn vị đã chọn con giống sạch bệnh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, tiêm phòng, báo cáo kịp thời chính xác khi gia súc, gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân…

Ông Phạm Quang Vượng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk R’lấp cho biết: “Vụ đông xuân năm ngoái, trên địa bàn cũng đã có bệnh heo tai xanh. Do đó, năm nay, việc chủ động phòng chống được huyện siết chặt hơn, từ việc kiện toàn lại bộ máy từ huyện, đến xã. Đồng thời, huyện cũng tăng cường việc điều tra, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, nắm bắt tình hình chăn nuôi đến tận hộ, đẩy mạnh việc tuyên truyền, kí cam kết với nhân dân không thả rông gia cầm; Không buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, ăn thịt gia cầm ốm, chết. Đối với 2 xã từng có dịch là Nghĩa Thắng và Đạo Nghĩa thì cán bộ Phòng Nông nghiệp - PTNT, Trạm Thú y huyện thường xuyên theo dõi để làm tốt công tác phòng chống dịch”.

Bên cạnh đó, các địa phương còn lại như Tuy Đức, Đắk Mil, Đắk Song… đã chú trọng vào việc vận động các hộ chăn nuôi chủ động tích trữ nguồn thức ăn tinh và bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn cho gia súc; Vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh thú y… Nhờ đó, ý thức của người chăn nuôi trong công tác phòng, chống dịch bệnh bảo vệ an toàn đàn vật nuôi trong mùa mưa lũ đã có những chuyển biến tích cực.

Ông Nguyễn Văn Mùi, ở thôn 11, xã Nam Bình (Đắk Song) cho biết: “Nơi chăn nuôi của gia đình ở gần suối nên vào mùa mưa có thể làm chuồng trại bị ẩm ướt. Rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay, tôi đã dời lên cao hơn 5 m, kiên cố lại hệ thống chuồng trại, đồng thời phun các loại thuốc sát trùng như Chloramine B, formol, rải vôi bột định kỳ mỗi tháng 1-2 lần. Tôi cũng tăng thêm lượng thức ăn là lúa, gạo, vitamin để đàn vật nuôi có thêm sức khỏe”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trong mùa mưa: Các ngành chức năng chủ động triển khai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO