Nông dân từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu

Hồng Thoan| 03/12/2014 09:15

Theo số đánh giá của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Đắk Nông thì trong 3 năm gần đây, điều kiện thời tiết trên địa bàn tỉnh có những thay đổi bất thường so với trước.

ADQuảng cáo

Cụ thể như việc những đợt mưa không diễn ra với mật độ và lưu lượng lớn như mọi năm, mùa mưa ngắn hơn, lượng mưa ít hơn. Mực nước ở hầu hết các sông trên địa bàn tỉnh thấp hơn so với từ 0,3- 0,5 m so với trung bình nhiều năm trước, riêng sông Krông Nô thấp hơn từ 1,5-1,9 m.

Điều này đã gây nên hiện tượng hạn cục bộ hoặc mưa trái mùa ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển bình thường của cây trồng nhất là cà phê, điều, các loại cây ngắn ngày như ngô, đậu đỗ. Nhận thức được điều này, nhiều nông dân cũng đã có  những cách làm khác nhau để ổn định sản xuất.

Do mưa trái mùa nên cuối tháng 11/2014, nhiều vườn cà phê ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) ra hoa trong lúc chưa hái quả

Vụ thu hoạch cà phê năm nay của gia đình ông Lê Thanh Thuyết ở thôn Nghĩa Hòa xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) phải kéo dài hơn so với mọi năm. Việc chậm trễ không phải chủ quan mà vì đang hái giữa chừng thì cà phê ra hoa. Sự việc xảy ra ngoài ý muốn và ông đã từng biết đến nhưng vẫn lo lắng, nếu cứ hái cà phê khi cây đang ra hoa sẽ làm rụng đi khá nhiều những bông to, ảnh hưởng đến năng suất vụ sau. Nếu để cho hoa nở, đậu quả lúc cây chưa được nghỉ ngơi, bón phân thì chắc chắn chất lượng quả sẽ thấp hơn so với vụ trước.

Ông Thuyết cho biết: “Thời gian gần đây, trời đang nắng, đột nhiên xuất hiện mấy cơn mưa làm cho hoa cà phê nở sớm. Đây là một hiện tượng thời tiết bất thường mà tôi mới thấy mấy năm trở lại đây. Theo sự hiểu biết của tôi qua các phương tiện thông tin đại chúng, các lớp tập huấn thì đây chính là một biểu hiện cụ thể của biến đổi khí hậu. Với 3 ha cà phê, tôi phải thuê nhân công hái, nhưng cũng đành bù lỗ để lao động nghỉ vài ngày chờ cho hoa héo đi mới hái tiếp. Cách làm này sẽ hạn chế bớt sự ảnh hưởng đến năng suất vụ sau, hái xong, ngay lập tức tôi sẽ dọn vườn, cắt tỉa cành để dưỡng sức cho cây”.

ADQuảng cáo

Không chỉ gia đình ông Thuyết mà rất nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh cũng đã chịu ảnh hưởng của tình trạng thời tiết bất thường này. Ngoài ra, tình trạng suy giảm nguồn nước mặt và nước ngầm trong vài năm trở lại đây đã làm cho người nông dân phải tìm cách thích ứng phù hợp.

Theo bà Trần Thị Nhung bon Bù Đắk, xã Thuận An (Đắk Mil) thì gia đình có 3 sào đất trồng lúa hai năm nay đã chuyển sang trồng rau xanh và ngô. Nguyên nhân là do phần đất của gia đình bà ở phía cuối nguồn nước suối tự nhiên, những năm gần đây, nguồn nước suy giảm, không đảm bảo cho việc trồng lúa nên phải chuyển sang trồng các loại cây có nhu cầu dùng nước ít hơn. Giống ngô mà bà sử dụng cũng là các giống mới có thời gian sinh trưởng ngắn, chống chịu hạn cao. Nhờ sự chuyển đổi này mà bà vẫn đảm bảo được thu nhập trên cùng một diện tích canh tác.

Ông Phan Hữu Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đắk Mil cho biết: “Việc chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi theo hướng đa dạng hóa, dùng các giống mới kháng bệnh, áp dụng các quy trình chăm sóc khoa học chính là cách mà đơn vị đang tuyên truyền, vận động cũng như có những cách để hỗ trợ hội viên để bà con thích ứng với các biểu hiện của biến đổi khí hậu. Điều đáng mừng là hiện nay, bà con đều đã có nhận thức cao về vấn đề này, do đó đã phần nào hạn chế được ảnh hưởng và nâng cao thu nhập”.

Theo ông Hồ Gấm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT tỉnh, với chức năng của mình thì ngành cũng đã có những chỉ đạo, định hướng cũng như xây dựng các quy hoạch về cây trồng, vật nuôi, công trình thủy lợi phù hợp với biến đổi khí hậu. Ngành cũng đã đưa vào sản xuất thí điểm thành công nhiều mô hình cây lương thực, hoa màu có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chịu hạn cao như giống ngô lai DK 414, C919, Bioseed, các giống đậu phụng VD7, L14 đồng thời tuyên truyền, vận động để nhân dân học tập, nhân rộng.

Nhiều địa phương, bà con cũng đã chủ động chuyển những chân ruộng cao cạn, thiếu nước trước đây trồng lúa sang trồng các cây trồng khác có nhu cầu nước tưới ít hơn đã bước đầu đem lại hiệu quả. Đây là sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang chứng tỏ những điểm ưu việt của nó đối với sự phát triển một nền nông nghiệp bền vững trong tương lai. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn cho bà con trong vấn đề sử dụng hiệu quả nguồn nước mặt, nước ngầm, cũng như sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, tăng cường hiệu quả công tác trồng rừng, bảo vệ rừng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO