Nông dân Krông Nô từng bước nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu

Trần Lê| 04/06/2014 09:22

Gia đình ông Nguyễn Văn Lai ở thôn Thanh Sơn, xã Nam Xuân đã phát triển nghề trồng tiêu từ lâu nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Theo ông Lai thì nguyên nhân chủ yếu là do gia đình chưa có chế độ chăm sóc cây tiêu một cách khoa học.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, hơn hai năm trở lại đây, vườn tiêu của ông đã cho năng suất cao hơn rất nhiều, trong khi đó chi phí đầu tư cũng giảm đáng kể nên hàng năm đem về cho gia đình mức lãi cao gần gấp rưỡi so với trước kia. Kết quả đó có được là nhờ ông mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới nước và bón phân nhỏ giọt với chi phí gần 100 triệu đồng.

Đoàn công tác của tỉnh thăm vườn tiêu của gia đình ông Nguyễn Văn Lai ở xã Nam Xuân được tưới bằng hệ thống tưới nhỏ giọt

Hệ thống tưới gồm máy nổ, bình chứa dung dịch và ống dẫn đến từng gốc tiêu. Theo đó, nước và phân bón khi được pha với tỷ lệ thích hợp, chỉ cần khởi động máy thì nhờ áp suất, nước sẽ tự động chảy đến từng cây. Hệ thống này đã giúp ông có thể tiết kiệm được công lao động, nước, phân bón cho tiêu.

Điều đáng nói là hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp nước, chất dinh dưỡng từ từ nên toàn bộ chất dưỡng chất có thể ngấm hết xuống gốc cây, không gây lãng phí và không lo bị rửa trôi hay bốc hơi so với cách tưới nước và bón phân truyền thống làm ảnh hưởng đến môi trường.

ADQuảng cáo

Về hiệu quả của cách chăm sóc mới đối với vườn tiêu, ông Lai vui vẻ nói: “Tuy là cây không cần nhiều nước nhưng vào mùa khô, tiêu cần phải được cung cấp đủ nước mới có thể sinh trưởng, phát triển tốt và ra hoa, đậu quả nhiều. Việc sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt đúng là một cách làm khoa học giúp tôi có thể  sử dụng tiết kiệm nguồn nước trong điều kiện biến đổi khí hậu làm cho nước ngầm trên địa bàn ngày càng khan hiếm. Được biết, hiện nay với 1.000 trụ, hàng năm, tôi cũng thu về khoảng 5 tấn, nếu tính giá bán 120 triệu đồng/tấn, sau khi trừ chi phí cũng có lãi khoảng 400 triệu đồng”.

Nói về xu hướng sản xuất gắn với biến đổi của khí hậu, theo bà Hà Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Xuân thì hàng năm, địa phương luôn tuyên truyền, vận động nông dân biết sử dụng hợp lý các tài nguyên như nguồn nước, đất đai thông qua việc tưới tiết kiệm, bảo vệ công trình thủy lợi, tu sửa kênh mương nội đồng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đúng cách.  Nhờ đó, hiện nay, bà con đã cơ bản nhận thức được biến đổi khí hậu là gì, các biểu hiện cụ thể ở địa phương nên đã  có những biện pháp nhằm hạn chế những thiệt hại.

Còn gia đình ông Thái Văn  Nhu ở thôn Nam Thanh, xã Nâm N’đir lại chú trọng vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm thích ứng với những thay đổi của thời tiết. Với 3 sào trước kia ruộng lúa không hiệu quả, ông đã chuyển sang trồng ngô và đậu đỗ.

Ông Nhu cho biết: “Do nguồn nước không ổn định cho trồng lúa nên gia đình phải chuyển sang trồng các loại cây có nhu cầu nước ít hơn thôi. Tuy nhiên, để tránh những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như tiểu hạn, ngập úng có thể gây thiệt hại thì nhiều năm nay, tôi cũng đã mạnh dạn đưa vào sản xuất các giống có chất lượng cao với thời gian sinh trưởng ngắn, trong vòng 3 tháng. Cùng với đó, các giống ngô như  DK 9955, CP 919 đều có khả năng chống chụi hạn tốt, kháng dịch bệnh cao nên luôn đem về mức năng suất khá cao và ổn định”.

Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện krông Nô thì với diện tích sản xuất nông nghiệp lớn, hơn 51.000 ha, hàng năm nông dân trên địa bàn sản xuất được khoảng 125.000 tấn lương thực. Tuy nhiên, những năm gần đây, do những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu như hạn hán, ngập úng và các hiện tượng thời tiêt cực đoan khác đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất sản lượng nông sản. Chính vì thế, nông dân trên địa bàn đang tích cực tìm hiểu về biến đổi khí hậu cũng như mạnh dạn học tập, ứng dụng những cách thức sản xuất phù hợp nhằm đảm bảo được hiệu quả kinh tế cao.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân Krông Nô từng bước nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO