Nhiều việc cần được xử lý khi chuyển đổi hơn 63.000 ha đất lâm nghiệp

Trần Lê| 29/09/2016 13:38

Theo thống kê, toàn tỉnh Đắk Nông có 63.057 ha đất có nguồn gốc đất lâm nghiệp đã được thu hồi từ các nông, lâm trường giao về cho địa phương quản lý và bố trí sử dụng. Sau 2 năm triển khai kế hoạch của UBND tỉnh về chuyển đổi, cấp "sổ đỏ" cho diện tích này, một số địa phương đã tích cực vào cuộc, đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, trong thực tế để đẩy mạnh tiến độ công tác này, cần có sự chung tay của các ngành, địa phương để tập trung xử lý những bất cập.

ADQuảng cáo

Nhiều hộ dân ở thôn 2, xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) chưa được cấp GCNQSDĐ vì còn liên quan đến diện tích rừng thông

Kết quả bước đầu

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên-Môi trường, khi rà soát lại 63.057 ha thì chỉ có hơn 39.529 ha đủ điều kiện xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho các hộ gia đình, cá nhân. Diện tích còn lại hơn 23.527 ha đã được quy hoạch 3 loại rừng, đất giao thông, sông suối, sử dụng vào mục đích công cộng và bố trí các dự án, công trình thủy điện....

Tính đến hết tháng 8/2016, toàn tỉnh đã đo đạc, lập bản đồ địa chính được hơn 25.150 ha, chiếm 65,46% diện tích cần thực hiện. Trong đó, diện tích đã kê khai, đăng ký là 7.069 ha, cấp GCNQSDĐ được hơn 4.577 ha. Tổng số tiền đã thu được là trên 8 tỷ đồng.

Ông Đàm Quang Trung, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Thực tế, việc cấp GCNQSDĐ đối với 63.057 ha đất có nguồn gốc đất lâm nghiệp đã giúp ngành tăng cường hiệu quả quản lý, nhất là việc hoàn thiện việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, từng bước hạn chế được tình trạng tranh chấp đất đai. Về mặt quản lý chung của tỉnh thì công tác này tạo thuận lợi cho các địa phương trong việc tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, sắp xếp lại khu dân cư nhất là các huyện có đông dân di cư tự do”.

Chậm do... địa chính xã

Bên cạnh những kết quả bước đầu thì qua đánh giá của tỉnh, việc thực hiện cấp GCNQSDĐ còn chậm. Nhiều địa phương không nắm rõ tiến độ, khối lượng công việc. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do cán bộ địa chính các xã còn yếu về chuyên môn, chưa thật sự nhập cuộc.

Xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) là địa phương được chọn làm điểm. Vậy nhưng, đến nay địa phương này vẫn chưa nắm rõ được khối lượng công việc như thế nào. Phóng viên Báo Đắk Nông đã đăng ký làm việc với UBND xã Nhân Đạo về nội dung này từ nhiều ngày trước, nhưng khi đến, lãnh đạo UBND xã vẫn không nắm được số liệu cụ thể.

Lý do được lãnh đạo xã đưa ra là do cán bộ địa chính cũ đã chuyển công tác đi nơi khác, còn cán bộ địa chính của xã hiện nay mới được điều chuyển từ xã Nghĩa Thắng về từ tháng 3/2016 nên việc nắm bắt thông tin chưa cụ thể.

ADQuảng cáo

Trong buổi làm việc, ông Nguyễn Tạo, Chủ tịch UBND xã phải gọi rất nhiều cuộc điện thoại cho cán bộ địa chính cũ để hỏi thông tin liên quan khi phóng viên đề cập.

Ông Nguyễn Tạo cho biết: “Hằng năm, xã không đưa ra kế hoạch cụ thể, mà chỉ thông báo cho bà con ai có đất đủ điều kiện thì lên xã làm hồ sơ theo chủ trương chung, nếu đủ điều kiện thì cấp cho dân càng nhiều càng tốt”.

Với thực tế này, không biết xã lấy gì để kiểm tra, theo dõi và báo cáo lên cấp trên nhằm đẩy nhanh tiến độ theo chỉ đạo chung của tỉnh? Cũng theo ông Tạo thì cái vướng chủ yếu của xã bây giờ là ở diện tích đất thuộc khu vực thôn 2, với khoảng 20 ha đất rừng có thông. Trong đó, diện tích thông thực tế chỉ khoảng 1,5 ha dọc hai bên đường, diện tích còn lại đều là đất dân đã trồng các loại cây công nghiệp từ lâu. Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri người dân đã đề nghị được cấp GCNQSDĐ nhưng xã chỉ trả lời là đang đề nghị lên huyện.

Tương tự, tại xã điểm Đắk Hòa (Đắk Song), một trong 2 cán bộ địa chính của xã cũng không nắm được thực tế hiện nay hộ nào đã gửi hồ sơ lên huyện, hồ sơ có thiếu sót gì, hộ nào đã nhận GCNQSDĐ.

Theo ông Ninh Đức Thượng, Phó trưởng Phòng Đo đạc, Đăng kí (Sở Tài nguyên-Môi trường) thì lực lượng cán bộ địa chính xã chưa nắm rõ việc. Các xã còn thụ động nên công tác tổ chức xét duyệt hồ sơ cấp GCNQSDĐ rất chậm, thậm chí một số xã rất trì trệ. Ở không ít xã, cán bộ địa chính còn chưa nghiên cứu kỹ nội dung theo kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh nên dẫn đến việc rà soát còn nhầm lẫn về diện tích, đối tượng sử dụng đất. Điều này dẫn đến số liệu báo cáo liên tục thay đổi, tính chính xác không cao gây khó khăn cho công tác lập kế hoạch chung, chi tiết...

Nhận thức của người dân chưa cao

Nhận thức của người dân về việc chuyển đổi, cấp GCNQSDĐ chưa cao cũng là một trong những nguyên nhân chính làm tiến độ triển khai chậm.

Ở xã Đắk Hòa, ông Trần Công Nhất, Chủ tịch UBND xã cho biết, địa phương đang vướng nhiều nhất ở diện tích đất của thôn Rừng Lạnh. Thôn có trên 100 hộ nhưng lại có diện tích đất bằng 3/4 của xã. Đáng nói là, phần lớn "chủ" đất ở đây lại là người có hộ khẩu thường trú ở các địa phương khác như xã Đắk Môl (Đắk Song), Đức Minh (Đắk Mil). Phần lớn họ đã sản xuất các loại cây công nghiệp từ lâu nhưng chưa có nhu cầu thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn hoặc chưa hiểu hết ý nghĩa của việc được cấp GCNQSDĐ nên chưa "mặn mà" hợp tác với chính quyền để làm các thủ tục liên quan.

Mới đây, Chi cục Thuế huyện Đắk Mil đã phối hợp với xã Đắk Hòa tuyên truyền nhân dân đóng thuế để nhận GCNQSDĐ. Toàn xã có gần 150 hộ dân nợ tiền thuế, phí cho việc cấp sổ đỏ, với tổng số tiền hơn 780 triệu đồng. Theo ông Hà Huy Triều, một người dân ở thôn Rừng Lạnh thì vừa rồi cơ quan thuế của huyện đã mời gia đình ông lên để nhắc nhở, tuyên truyền nộp các khoản phí, thuế. Nhưng mức nộp tổng cộng là 20 triệu đồng trong khi kinh tế còn khó khăn nên gia đình chưa đủ điều kiện nộp.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) thì đa số hộ dân có đất đủ điều kiện được cấp GCNQSDĐ trên địa bàn xã đều thuộc diện hộ nghèo. Nhiều người khi được tuyên truyền đều cho rằng, đất đã là của họ lâu nay, cũng không có tranh chấp nào nên bà con cứ sản xuất. Số tiền phí 5 triệu đồng/ha để làm GCNQSDĐ là khá khó khăn với những hộ nghèo. Bà con mong muốn được giảm một phần tiền thuế, phí để được nhận GCNQSDĐ. Xã đã xem xét và  đề nghị lên cấp trên về  việc miễn, giảm phí, lệ phí cho hộ nghèo, cận nghèo để sớm hoàn thành công việc.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều việc cần được xử lý khi chuyển đổi hơn 63.000 ha đất lâm nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO