Nâng cao vai trò quản lý khoáng sản vùng Tây Nguyên

Thùy Dương (th)| 08/06/2017 09:55

Theo đánh giá của các nhà khoa học, khoáng sản ở Tây Nguyên khá phong phú và đa dạng về loại hình, kiểu nguồn gốc, trong đó có những loại khoáng sản có quy mô rất lớn. Đây là những loại khoáng sản có thế mạnh của Tây Nguyên trong cân đối nguồn tài nguyên khoáng sản của cả nước.

ADQuảng cáo

Riêng bô xít Đắk Nông có trữ lượng 5,4 tỷ tấn; ở Gia Lai, Kon Tum có trữ lượng quặng nguyên 368 triệu tấn, quặng tinh 162 triệu tấn... Toàn Tây Nguyên chiếm tới 91% trữ lượng bô xít của cả nước. Tuy hoạt động khai thác ở đây chưa phát triển mạnh như những vùng kinh tế khác, nhưng đã và đang gây ra nhiều vấn đề bức xúc cho xã hội và môi trường sinh thái, đặc biệt là tình trạng khai thác trái phép một số khoáng sản như: vàng sa khoáng, thiếc, vật liệu xây dựng… Điều này đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý, đi đôi với việc khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên không tái tạo này trên toàn vùng Tây Nguyên.

Hoạt động đóng bao xuất khẩu tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk R'lấp). Ảnh: Lê Dung

Theo các chuyên gia tư vấn, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản ở các tỉnh Tây Nguyên đã từng bước được tăng cường, nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Đó là tình trạng khai thác khoáng sản trái pháp luật như: vàng sa khoáng, đá quý, đá chẻ, cát xây dựng... gây ô nhiễm môi trường, thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến an ninh trật tự nhưng các ngành chức năng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn triệt để.

ADQuảng cáo

Nhiều chuyên gia cho rằng, UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lãnh thổ, đại diện quyền sở hữu tài nguyên của nhân dân nên có quyền quyết định đối với việc sử dụng tài nguyên trên địa bàn. Vì vậy cần có lộ trình nâng cao năng lực quản lý cho địa phương, từng bước thực hiện phân quyền cấp phép và quản lý hoạt động khoáng sản cho địa phương (trừ các mỏ khoáng sản chiến lược và phân bố liên tỉnh) ở Tây Nguyên nói riêng và các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung. Về quản lý cấp phép hoạt động khoáng sản, phải thực hiện định giá tài nguyên và tổ chức đấu thầu khai thác khoáng sản. Việc đấu giá thăm dò - khai thác khoáng sản cần phải chuẩn bị đủ điều kiện về định giá tài nguyên và cơ chế quản lý. Hạn chế tối đa (hoặc bỏ hẳn) việc phân cấp và cấp giấy phép khai thác khoáng sản tràn lan ở cấp tỉnh như thời gian vừa qua; bổ sung các điều kiện, các cam kết về chế biến trước khi cấp giấy phép khai thác. Thực tế cho thấy, vốn đầu tư cho khai thác không lớn, nhưng việc chế biến đòi hỏi vốn lớn, công nghệ hiện đại. Tình trạng này dẫn đến việc khai thác tràn lan, không thực hiện được mục đích chế biến sâu.

Vùng Tây Nguyên nói chung và các tỉnh trong vùng cần được nhanh chóng xây dựng chiến lược, quy hoạch và chính sách phát triển từng loại khoáng sản bảo đảm tính đồng bộ từ khâu thăm dò, khai thác đến chế biến phù hợp với nhu cầu nền kinh tế và chấm dứt xuất khẩu sản phẩm thô; đồng thời công khai hóa việc trích nguồn thu từ hoạt động khoáng sản và sử dụng nguồn thu này hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội nhân dân vùng có khoáng sản khai thác.

Theo đánh giá của các nhà khoa học thuộc Tổng hội Địa chất Việt Nam, Tây Nguyên tuy có tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, nhưng quá trình khai thác sẽ tác động bất lợi đến môi trường sinh thái và sinh kế của người dân địa phương. Do đó, các tỉnh Tây Nguyên chỉ nên khai thác khi đã hội tụ đủ điều kiện về tiếp cận công nghệ, trình độ kỹ thuật, quản lý và xử lý kiểm soát được các vấn đề về môi trường.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao vai trò quản lý khoáng sản vùng Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO