Nâng cao nhận thức cho người dân về thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt

Trần Lê| 29/06/2016 10:44

Công tác thu gom, xử lý các loại rác thải trên địa bàn tỉnh nhiều nơi vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Nguyên nhân phần lớn là do nhận thức của người dân chưa cao.

ADQuảng cáo

Rác thải còn bừa bãi

Tại thôn Nghĩa Thuận xã Đắk Nia (Gia Nghĩa), nơi đã có dịch vụ thu gom của Công ty TNHH MTV Nghĩa Hà, đơn vị đã hợp đồng thu gom đến trung tâm xã với hệ thống thùng rác được trang bị. Tuy nhiên, tại điểm đặt thùng rác tại thôn Nghĩa Thuận sát quốc lộ 28, hệ thống thùng rác đã không được sử dụng đúng mục đích của nó. Thùng bị đổ nằm chỏng chơ, đậy kín nắp mà không có rác, còn bên ngoài rác được chất đống, tràn lan.

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Nghĩa Hà thì trung bình mỗi ngày, thị xã thải loại từ 50-70 tấn rác thải sinh hoạt. Hằng năm, ngoài thu phí dịch vụ từ nhân dân khoảng 800 triệu đồng thì đơn vị được thị xã bố trí khoảng 8,4 tỷ đồng để tổ chức các hoạt động giữ gìn vệ sinh môi trường.

Tuy nhiên, với nguồn kinh phí như hiện nay thì chỉ mới đáp ứng cho việc quét dọn vệ sinh khoảng 50% các tuyến đường trên địa bàn thị xã. Mặt khác, cũng vì thiếu kinh phí nên hiện nay Công ty mới chỉ bố trí được khoảng 100 thùng rác trên các tuyến đường và thực tế người dân vứt rác ngoài thùng vẫn diễn ra khá nhiều.

Thùng rác trở nên thừa thải tại một điểm đổ rác ở thôn Nghĩa Thuận, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa)

ADQuảng cáo

Ở Gia Nghĩa đã thế, ở nhiều khu vực nông thôn, việc vứt rác thải sinh hoạt tràn lan ra đường, sông suối, hồ đập thủy lợi cũng xảy ra ở nhiều nơi. Cụ thể như tại khu vực thôn 1, xã Trường Xuân (Đắk Song), ngay mé quốc lộ 14, một bãi rác được hình thành và tồn tại từ nhiều năm nay. Bà Nguyễn Thúy Hồng, một người dân ở thôn 1 cho biết: “Nhà tôi ở gần bãi rác nên thấy khó chịu lắm, dễ bị viêm đường hô hấp trên. Mùa nắng còn đỡ chứ mùa mưa thì nước rỉ rác chảy ra hôi thối”.

Công tác tuyên truyền chưa được đẩy mạnh

Ý thức của người dân chưa cao, nhưng thực tế việc nâng cao nhận thức cho bà con cũng chưa được đẩy mạnh. Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên Môi trường) thì hằng năm, đơn vị được cấp khoảng 80 triệu đồng cho công tác truyền thông về bảo vệ môi trường. Số kinh phí này là quá ít để phục vụ hoạt động truyền thông môi trường của tỉnh.

Riêng về hoạt động tập huấn, đơn vị cũng chỉ triển khai được khoảng 1-2 lớp ở cấp tỉnh về phổ biến các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, những nội dung mới, những hạn chế thường gặp khi lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường...

Ngoài ra, Chi cục cũng đã phối hợp với đoàn thể, hội, huyện, thị xã tổ chức các lớp tập huấn về môi trường nhưng số lượng cũng không đáng kể, khoảng 7 lớp/năm, mỗi lớp dao động khoảng 50 người. Thực tế, công tác tập huấn, tuyên truyền về việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt là chưa nhiều so với yêu cầu đặt ra hiện nay.

Ngay cả các hoạt động như hưởng ứng Ngày Nước thế giới (22/3), Ngày Môi trường thế giới (5/6) cũng chưa thật sự đa dạng, phong phú mang lại hiệu quả thật sự. Chỉ dừng lại ở các hoạt động như mít tinh hưởng ứng, treo các băng rôn, khẩu hiệu, ra quân thu gom rác thải tại một số điểm nào đó, còn việc để tạo ra sự chuyển biến thật sự trong nhận thức của người dân về các vấn đề môi trường nổi cộm tại địa phương mà trước hết là việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đúng cách vẫn còn ít. Thực tế này đang đòi hỏi phải có sự đổi mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường ở cả cơ quan quản lý nhà nước cũng như các ngành, địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao nhận thức cho người dân về thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO