Mô hình điểm bảo vệ môi trường Thuận Nam… ngập rác thải

Trần Lê| 02/08/2016 09:55

Ông Hoàng Thế Diêm, Trưởng thôn Thuận Nam, xã Thuận Hạnh (Đắk Song) cho biết năm 2007, thôn đã được Ủy ban MTTQ các cấp chọn để xây dựng mô hình điểm về khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường (BVMT).

ADQuảng cáo

Cán bộ, nhân dân thôn rất phấn khởi và đồng tình hưởng ứng. Được sự thống nhất của đảng ủy, chính quyền, Chi bộ thôn đã lãnh đạo ban tự quản thôn đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện BVMT gắn với xóa đói, giảm nghèo.

Rác thải tràn lan tại thân đập hồ thủy lợi ở thôn Thuận Nam

Theo đó, để mô hình điểm đạt kết quả tốt, chi bộ, ban tự quản và ban công tác mặt trận thôn đã thống nhất thành lập Tổ tự quản môi trường gồm 9 người có tinh thần trách nhiệm và uy tín trong vận động nhân dân. Tổ tự quản đã xây dựng quy chế hoạt động và quy chế BVMT gắn với xóa đói, giảm nghèo, đồng thời, tổ chức họp toàn thể nhân dân trong thôn để đi đến thống nhất thực hiện. Qua đó, công tác bảo vệ môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực, điển hình như việc người dân ký cam kết bảo vệ môi trường, tích cực quét dọn đường làng, ngõ xóm, thu dọn rác thải tại hộ.

Việc tổng vệ sinh nơi công cộng cũng được phát động định kỳ hai tháng một lần. Nhiều hộ dân có nhà vệ sinh đạt chuẩn, chăn nuôi hợp vệ sinh. Năm 2012, thôn đã tổng kết 5 năm thực hiện mô hình điểm về BVMT gắn với xóa đói giảm nghèo, Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ xã Thuận Hạnh đã đánh giá những kết quả mà thôn Thuận Nam đạt được trong việc BVMT  là hết sức ý nghĩa, coi đây là điểm sáng cần được nhân rộng ra toàn xã và huyện Đắk Song.

Tuy nhiên, những năm sau đó mô hình điểm đã “không còn điểm” nữa và vấn đề môi trường ở đây lại quay về nguyên trạng. Tại khu vực trung tâm của thôn, rác thải được vứt tràn lan tại thân đập thủy lợi, hệ thống kênh mương gây bốc mùi hôi thối với đủ các loại chất thải có cả nội tạng động vật do nhiều hộ kinh doanh trên trục đường chính của thôn xả ra.

ADQuảng cáo

Theo Trưởng thôn Thuận Nam, toàn thôn có khoảng 170 hộ gia đình với khoảng 689 nhân khẩu, nhân dân trong thôn chủ yếu sinh sống bằng sản xuất nông, lâm nghiệp và buôn bán nhỏ. Do tập quán sinh hoạt, nghề nghiệp, mật độ dân số và nhất là nhận thức của nhân dân về bảo vệ môi trường (BVMT) còn hạn chế nên việc ý thức BVMT, giữ gìn vệ sinh trong khu dân cư còn thấp. Người dân còn xem việc bảo vệ môi trường là của tập thể, chưa có tinh thần tự giác.

Trong các hộ dân chưa có hố rác gia đình, nhiều hộ chưa có nhà vệ sinh bảo đảm, còn để nước sinh hoạt, nước khu chăn nuôi chảy ra đường, để rác thải không đúng nơi quy định, vứt rác thải, xác súc vật chết bừa bãi gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, vệ sinh thôn xóm không được làm thường xuyên. 

Ông Diêm cho biết thêm: “Thực tế, thôn vẫn duy trì tổ tự quản nhưng trong mùa mưa số lần thu gom ít hơn, cộng với việc người dân đổ rác vào ban đêm nên rác thải gây ứ đọng, hôi thối”.

Về điều này, ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hạnh cho biết: “Xã, thôn, các đoàn thể có tuyên truyền vận động nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Cùng với đó, thực tế để giải quyết căn cơ vấn đề là bãi chôn lấp, xử lý rác thải thì chưa có, hiện nay xã mới xin được huyện cấp đất để làm bãi rác”.

Có thể nói, việc triển khai mô hình hiệu quả đã là một thành công của địa phương. Việc để lặp lại tình trạng như hiện nay là một điều rất đáng tiếc. Rõ ràng, công tác tuyên truyền, vận động cũng như hoạt động nhân rộng mô hình phù hợp ở khu vực nông thôn về thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn xã chưa được làm tốt.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mô hình điểm bảo vệ môi trường Thuận Nam… ngập rác thải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO