Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới bằng những việc làm cụ thể, thiết thực

Hồng Thoan thực hiện| 03/06/2016 09:37

Nhân dịp Ngày Môi trường thế giới 5/6, phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với bà Trương Thị Đạm Tuyết, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng.

ADQuảng cáo

PV: Bà có thể cho biết chủ đề của Ngày Môi trường thế giới năm nay như thế nào?

Bà Trương Thị Đạm Tuyết: Trước thực trạng săn bắn, buôn bán các loài động vật hoang dã đang diễn ra trầm trọng trên quy mô toàn cầu, năm nay, Liên hợp quốc chọn chủ đề của Ngày Môi trường thế giới là “Tiếng gọi thiên nhiên và hành động của chúng ta”. Chủ đề này nhằm truyền thông tới toàn nhân loại hướng các hành động sống thân thiện với môi trường, giảm thiểu áp lực ngày càng gia tăng đối với hệ sinh thái tự nhiên của trái đất.

Thông qua đó, huy động sự nỗ lực của toàn thể cộng đồng ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã đã và đang làm suy kiệt tài nguyên đa dạng sinh học, đe dọa sự sống còn của nhiều loài động vật quý hiếm trên thế giới. Trong đó, có nhiều loài đã bị tuyệt chủng và nhiều loài đang có nguy cơ tuyệt chủng cao. Chính vì thế, hơn bao giờ hết, nhân loại cần nhận thức đúng về bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ cân bằng sinh thái tự nhiên để bảo đảm phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Đoàn viên, thanh niên tỉnh trồng cây xanh tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh

PV: Năm nay, trước thực tế biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc nên Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động Tháng hành động vì môi trường?

Bà Trương Thị Đạm Tuyết: Đúng vậy, từ cuối năm 2015 đến những tháng đầu năm 2016, có thể nói, biến đổi khí hậu đã tác động rõ nét và mạnh mẽ nhất trên nhiều vùng, miền khác nhau của cả nước. Điển hình như đợt nắng nóng kỷ lục trong vòng 60 năm qua xảy ra trên diện rộng từ Bắc bộ đến Nam Trung bộ, hạn hán nghiêm trọng ở Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Nam bộ. Thực tế này đã gióng lên hồi chuông báo cảnh báo về tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm sự phát triển nói chung.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động Tháng hành động vì môi trường từ tháng 5-6/2016. Các bộ, ngành Trung ương, các địa phương sẽ tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, tạo thành chuỗi hoạt động vì môi trường trên phạm vi cả nước.

ADQuảng cáo

Điển hình như quán triệt, triển khai Nghị quyết số 24 của Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; Tăng cường quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Công ước về đa dạng sinh học; Công ước về buôn bán các loại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các hoạt động quan trọng khác như tổ chức lễ mít tinh, treo băng rôn, khẩu hiệu...

PV: Trên tinh thần chung đó, với vai trò là cơ quan tham mưu UBND tỉnh, Chi cục Bảo vệ môi trường  nhấn mạnh vấn đề gì trong việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2016?

Bà Trương Thị Đạm Tuyết: Tại tỉnh ta, đa dạng sinh học vốn được đánh giá là phong phú, đa dạng. Nhưng hiện nay cũng đang theo chiều hướng ngày càng suy giảm, nhiều loài động, thực vật quý hiếm đang đứng trước nguy cơ biến mất. Số liệu của cơ quan chuyên môn cho thấy, đa dạng sinh học nông nghiệp Đắk Nông vô cùng phong phú. Hệ sinh thái rừng có 4 nhóm chính gồm: Quần hệ thường xanh mưa ẩm Á nhiệt đới núi thấp thuộc độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển; Các quần hệ thường xanh nhiệt đới gió mùa thuộc độ cao dưới 1.000 m so với mặt nước biển; Nhóm thảm thực vật thủy sinh nước ngọt và thảm thực vật nhân tạo.

Tỉnh cũng có đa dạng sinh vật rừng với nhiều chi, họ khác nhau, nhiều loài quý hiếm, có ý nghĩa lớn đối với công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học. Thống kê ban đầu, hiện nay thực vật rừng có trên 1.489 loài thuộc 768 chi, 186 họ và 6 ngành thực vật bậc cao có mạch. Điển hình như ngành lan thông, thông đất, cỏ tháp bút, dương xỉ...

Đối với động vật, toàn tỉnh hiện đã ghi nhận được 28 bộ, 86 họ, 273 loài động vật rừng; trong đó có nhiều loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam như cu li nhỏ, khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, chà vá chân đen, gấu chó, gấu ngựa, vượn má vàng, bò tót.

Theo tôi để việc hưởng ứng mang lại hiệu quả, các sở, ban, ngành, địa phương cần tổ chức các hoạt động phù hợp với thực tế gắn với những vấn đề nóng ở cơ sở. Trong đó, cần huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng tham gia. Mỗi cơ quan, đơn vị, người dân hưởng ứng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực chứ không phải là làm theo hình thức, làm chiếu lệ.

Cụ thể như tổ chức ngày hội ra quân thực hiện công tác bảo tồn đa dạng sinh học, thả động vật hoang dã về nơi sinh sống tự nhiên; nói không với các hành vi buôn bán, tiêu thụ các sản phẩm động vật hoang dã; triển khai các hoạt động trồng rừng, trồng cây xanh đô thị; tham gia làm vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải, rác thải, nạo vét, khơi thông cống rãnh, đường làng, ngỏ xóm...

PV: Xin cảm ơn bà.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới bằng những việc làm cụ thể, thiết thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO