Để công trình cấp nước sinh hoạt tập trung hoạt động ổn định

Đỗ Công| 25/08/2016 10:06

Toàn tỉnh hiện có hơn 230 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung (SHTT), trong đó hơn 100 công trình đang hoạt động ổn định. Tuy nhiên, chỉ số ít được quản lý chuyên nghiệp, còn phần lớn các công trình cấp nước SHTT được quản lý bằng tinh thần, tâm huyết quản lý của người dân là chính… Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nguy cơ các công trình cấp nước SHTT đóng cửa.

ADQuảng cáo

Làm vì… tinh thần

Công trình cấp nước SHTT ở xã Nam Dong (Chư Jút) được đầu tư hơn 5 tỷ đồng và là công trình hoạt động hiệu quả nhất nhì huyện. Để cấp nước ổn định cho gần 600 hộ dân, những năm qua các trưởng thôn nơi đây phải kiêm thêm nhiệm vụ quản lý, vận hành công trình.

Công trình cấp nước SHTT ở xã Nam Dong cung cấp nước cho gần 600 hộ dân, nhưng phụ cấp người quản lý chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng

Ông Trần Ngọc Viên, Trưởng thôn Trung Tâm tâm sự: “Công trình cấp nước cho 3 thôn, nên 3 trưởng thôn phải kiêm thêm nhiệm vụ quản lý. Cả tháng, tiền thu sử dụng nước được khoảng 20 triệu đồng, nhưng chi cho tiền điện khoảng 16-17 triệu đồng, nên dư ra rất ít. Ngay như tháng vừa rồi (tháng 7), máy bơm cháy mấy lần thì thu không đủ bù chi”. Cũng theo ông Viên, mọi người trong tổ dùng nước ở đây chỉ làm vì… tinh thần là chính.

Ông Trần Văn Nam, Trưởng Ban Quản lý các dự án huyện Chư Jút cho biết: “Toàn huyện có hơn 50 công trình cấp nước SHTT, trong đó 37 công trình được bàn giao về cho địa phương quản lý. Tuy nhiên, kinh phí sửa chữa không có đã ảnh hưởng lớn đến việc quản lý, vận hành các công trình này”.

Ông Nam cho biết thêm, hiện tại phần lớn các công trình cấp nước SHTT trên địa bàn huyện đã có tuổi đời cả chục năm, nên phát sinh hư hỏng ngày càng nhiều. Chính vì vậy, việc sớm tìm giải pháp hỗ trợ kinh phí hoạt động, nâng cao hiệu quả quản lý các công trình cấp nước SHTT là rất cần thiết.

ADQuảng cáo

Điều trăn trở của ông Nam cũng là những trăn trở được lãnh đạo các địa phương đưa ra tại hội nghị đánh giá tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh, tháng 6 vừa qua. Các địa phương cho rằng, từng cấp, ngành cần tham mưu cho tỉnh, tính toán chuyển các công trình cấp nước SHTT về Công ty Cổ phần cấp nước và phát triển đô thị Đắk Nông, hay Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh quản lý.

Nguồn thu bảo đảm nên ở công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại xã Đắk R'la (Đắk Mil) thu hút được cán bộ quản lý có chuyên môn

Sớm có cơ chế hỗ trợ

Ông Nguyễn Công, Giám đốc Công ty Cổ phần cấp nước và phát triển đô thị Đắk Nông cho rằng: “Đơn vị đồng ý chủ trương tỉnh giao quản lý các công trình cấp nước SHTT. Điều chúng tôi băn khoăn là về cơ chế hỗ trợ các công trình này. Vì vậy, nếu tỉnh không có cơ chế hỗ trợ về chi phí, giá nước thì đơn vị không thể nhận quản lý các công trình cấp nước SHTT này được”.

Đại diện lãnh đạo Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh nêu rõ, để quản lý thêm một công trình cấp nước SHTT khu vực nông thôn cần ít nhất một người. Nếu tính toán nguồn thu từ bán nước không đủ bù chi phí vận hành, quản lý thì để quản lý được, đơn vị cần có sự hỗ trợ về cơ chế của tỉnh…

Liên quan đến việc nâng cao hiệu quả quản lý công trình cấp nước SHTT, tại Hội nghị đánh giá tình hình kinh tế, xã hội tỉnh 6 tháng đầu năm 2016, đồng chí Nguyễn Bốn, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh đến việc các ngành tính toán cụ thể từng vấn đề. Việc giao quản lý công trình cấp nước SHTT phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa đơn vị quản lý và người dân dùng nước.

Tỉnh đã có những chỉ đạo rõ ràng. Điều quan trọng là các đơn vị, ngành chức năng cần cụ thể hóa bằng cơ chế cụ thể để những công trình cấp nước SHTT đang hoạt động ổn định không còn đứng trước nguy cơ bị đóng cửa.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để công trình cấp nước sinh hoạt tập trung hoạt động ổn định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO