“Đảo cỏ di động” xâm chiếm nhiều hồ đập thủy lợi

Lê Phước| 02/11/2017 09:39

Thời gian gần đây, tại nhiều hồ, đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã và đang xuất hiện các mảng cỏ lớn trên mặt nước. Không chỉ làm giảm diện tích mặt nước, các “đảo cỏ di động” này còn đe dọa trực tiếp đến an toàn tại các công trình thủy lợi (CTTL).

ADQuảng cáo

"Đảo cỏ di động" xuất hiện tại hồ Tây, ở thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil) có diện tích khoảng 1,5 ha

Vào giữa mùa mưa năm nay, một mảng cỏ lớn trôi dạt từ thượng lưu về khu vực đầu mối công trình hồ Tây (Đắk Mil). Không chỉ cản trở khả năng thoát lũ, mảng cỏ còn đe dọa trực tiếp đến an toàn hồ đập, tính mạng, tài sản của người dân hạ du. Mặc khác, mảng cỏ này còn làm giảm diện tích mặt thoáng lòng hồ, gây mất mỹ quan, cảnh quan của thị trấn Đắk Mil.

Trước tình hình đó, vào tháng 8/2017, UBND huyện Đắk Mil đã có công văn đề nghị Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi tỉnh) tiến hành trục vớt, thu gom và xử lý mảng cỏ trong lòng hồ. Ngoài ra, UBND huyện Đắk Mil cũng đề nghị công ty lập kế hoạch, phương án phát quang cỏ dại, nạo vét lòng hồ, dọn dẹp vệ sinh trên mặt nước hồ Tây hàng năm để tránh xảy ra tình trạng như trên.

Bè cỏ chặn ngang đập tràn của hồ E29, ở xã Đắk Sắk (Đắk Mil)

Hiện tại, trên địa bàn tại huyện Đắk Mil có CTTL Jun Juh (xã Đức Minh) và hồ E29 (xã Đắk Sắk) cũng đang xuất hiện các mảng cỏ trong lòng hồ. Các mảng cỏ này rất dày và có tầng rễ sâu. Tại hồ E29, mảng cỏ xuất hiện đã chặn ngang và gần như phủ kín đập tràn, ảnh hưởng đến dòng chảy xuống hạ lưu của công trình.

Ngoài 3 công trình tại huyện Đắk Mil, hiện có 17 CTTL khác trên địa bàn các huyện Đắk Glong, Đắk Song, Đắk R’lấp và Krông Nô cũng đang bị các “đảo cỏ” xâm lấn. Tại một số công trình, các “đảo cỏ di động” đã trôi dạt về phía đầu mối công trình, tấp vào tràn xả lũ, cống đầu mối và đe dọa đến an toàn công trình cũng như tiềm ẩn nguy cơ vỡ đập.

ADQuảng cáo

Mảng cỏ lớn cao từ 5 - 7m tại hồ Đắk Kuăl, ở xã Đắk N’Drung (Đắk Song)

Theo ông Trịnh Văn Tường, Giám đốc Công ty Thủy lợi tỉnh thì hiện tại, mảng cỏ lớn xuất hiện trên hồ Tây có diện tích khoảng 1,5 ha và chiều dày từ 1,5 - 2m. Đây là những mảng cỏ đã hình thành từ nhiều năm dưới lòng hồ nhưng chưa được dọn dẹp, nạo vét. Năm nay do mưa lớn, mực nước hồ Tây dâng cao nên các mảng cỏ này nổi lên, kết lại với nhau thành bè rồi trôi theo dòng chảy về phía đầu mối công trình. Hiện tại, “đảo cỏ” này vẫn lơ lửng và trôi dạt di động theo chiều gió gần khu vực tràn xả lũ. Để bảo đảm an toàn cho công trình, công ty đã triển khai lắp hàng rào sắt ở khu vực tràn xả lũ. Về lâu dài, công ty đã có báo cáo gửi Sở Nông nghiệp - PTNT xin chủ trương, biện pháp về việc triển khai trục vớt mảng cỏ tại công trình này.

Hiện tại, Công ty Thủy lợi tỉnh đang quản lý 200 CTTL, trong đó có 170 hồ chứa, 18 đập dâng, 5 hệ thống trạm bơm, 6 hệ thống kênh tiêu úng và 1 công trình chuyển nước.

Hiện có 20 CTTL trên địa bàn tỉnh công ty đang quản lý đã xuất hiện bè, mảng cỏ gồm: Các hồ thuộc huyện Đắk Glong gồm: Bi Rê Zê ( Đắk Som); Băs Rai, hồ Thôn 2 (Quảng Khê); Đắk N’Der 2, Đắk Snao 2, 3B bon Sar Nar (Quảng Sơn). Các hồ thuộc huyện Đắk Song gồm: Đắk Mrung, Sình Muống (Thuận Hạnh); Đắk Môl (Đắk Môl); Đắk Kuăl, Đắk Pông Bê (Đắk N’Drung). Đắk R'lấp:  Bàu Muỗi (Nhân Đạo), Đắk Xá (Đắk Ru), hồ thôn 10, hồ thôn 5 (Đắk Sin). Các hồ Đắk Nang (Đắk Nang), Đắk M’hang (Nâm Nung, Krông Nô). Trong số này, có 16/20 CTTL có bè, mảng cỏ lớn trong lòng hồ. Riêng hồ Đắk Nang và hồ Đắk M’hang hiện có nhiều bè, mảng cỏ lớn, chiếm từ 65 - 75% diện tích lòng hồ.

Theo Công ty Thủy lợi tỉnh thì năm nay, mùa mưa lũ ghi nhận những trận mưa lớn, kéo dài, cường độ và thời gian xuất hiện các cơn mưa bất thường, khó dự đoán. Những năm tiếp theo, tình hình mưa lũ dự báo có thể vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, việc xử lý những mảng cỏ tại các CTTL mang tính cấp bách nhằm bảo đảm an toàn công trình, tính mạng, tài sản người dân khu vực hạ du, cảnh quan đô thị và nguồn nước sinh hoạt của người dân.

Theo phương án của công ty, việc trục vớt mảng cỏ lớn trên hồ Tây và các CTTL sẽ phải thực hiện qua 3 bước. Đầu tiên, công ty sẽ sử dụng máy móc, công cụ để chia cắt nhỏ các mảng cỏ này ngay dưới nước. Sau đó dùng xuồng, ca nô hoặc tời kéo các mảng cỏ đã được chia nhỏ vào gần bờ. Cuối cùng, đơn vị sẽ dùng tổ hợp máy xúc, ô tô để xúc, đưa lên xe và vận chuyển cách xa thị trấn khoảng 10 km.

Mặc dù phương án trục vớt đã được xây dựng nhưng “vướng mắc” lớn nhất của vấn đề này chính là kinh phí. Theo dự tính của Công ty Thủy lợi tỉnh, riêng kinh phí để thực hiện trục vớt các mảng cỏ trên hồ Tây đã lên tới 1,5 tỷ đồng. Trong khi đó, việc thực hiện trục vớt mảng cỏ tại các CTTL trên toàn quốc hiện nay chưa có định mức về kinh phí và phương án xử lý cụ thể.

Ông Trịnh Văn Tường cho hay: Từ trước tới nay, việc đầu tư xây dựng, quản lý các CTTL trên địa bàn tỉnh không có kinh phí thực hiện nội dung nạo vét, dọn dẹp lòng hồ, đập. Việc trục vớt bè, mảng cỏ được thực hiện trên mặt nước cần kinh phí lớn, trong khi năng lực tài chính của công ty còn hạn chế. Ngoài việc xin chủ trương và bố trí kinh phí trục vớt bè, mảng cỏ tại hồ Tây, công ty cũng kiến nghị Sở Nông nghiệp - PTNT xem xét, trình UBND tỉnh để sớm xây dựng định mức trong công tác xử vấn đề này trên địa bàn tỉnh .

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Đảo cỏ di động” xâm chiếm nhiều hồ đập thủy lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO