Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

Tường Mạnh| 04/12/2015 09:35

Trong những ngày này, cả thế giới đang tập trung theo dõi diễn biến Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu toàn cầu (COP 21) được tổ chức tại thủ đô Paris, nước Pháp. Bởi vì, giờ đây, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) không còn là chuyện riêng của một quốc gia, châu lục nào, mà trở thành vấn đề toàn cầu.

ADQuảng cáo

Không một quốc gia đơn lẻ nào có thể tự giải quyết, dù là cường quốc. Khí hậu trái đất đã nóng hơn 10C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Hơn bao giờ hết, COP 21 hy vọng sẽ là dấu ấn lịch sử chứng kiến nỗ lực toàn cầu cam kết giữ mức tăng nhiệt độ ngôi nhà chung của nhân loại không quá 20C vào cuối thế kỷ này.

Là một trong năm quốc gia dễ bị tổn thương nhất từ BĐKH, như nước biển dâng, tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, triều cường hay các hiện tượng thời tiết cực đoan..., Việt Nam đã và đang tích cực chung tay cùng cộng đồng quốc tế ứng phó BĐKH.

Những chia sẻ về bài học kinh nghiệm trong lĩnh vực này của Việt Nam mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại COP 21 được các nhà lãnh đạo, đại biểu hoan nghênh và đánh giá cao. Việt Nam khẳng định thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ trong Công ước khung và Nghị định thư Kyoto; đồng thời cam kết đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016-2020. Thủ tướng cũng nêu rõ, mặc dù đương đầu với nhiều khó khăn và chịu tác động nặng nề của BĐKH, Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.

Có thể nói, những tác động bất lợi của BĐKH không phải là chuyện xa vời, ở tận đâu đâu nữa mà nó cũng đang hiện hữu một cách rõ rệt đối với tỉnh Đắk Nông. Cụ thể nhất là trong những năm gần đây, theo đánh giá của tỉnh, do ảnh hưởng của BĐKH nên tình hình khô hạn và lũ lụt không ngừng gia tăng trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, khu vực các huyện Chư Jút và Đắk Glong thường xuyên xảy ra lũ lụt vào mùa mưa và khô hạn vào mùa khô. Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong vùng. Bên cạnh đó, vào mùa mưa, ở địa bàn tỉnh thường xuất hiện những trận mưa lớn cục bộ gây nên lũ quét và sạt lở đất...

ADQuảng cáo

Những tác động tiêu cực của BĐKH đã ảnh hưởng không nhỏ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Vì vậy, để chủ động ứng phó với những tác động BĐKH, trước mắt, tỉnh đã quy hoạch dự án hệ thống hồ nước với mục tiêu chính là chủ động dự trữ, điều tiết nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, góp phần vào việc giảm lũ cho khu vực hạ du, điều hòa khí hậu trong vùng; tạo điều kiện thâm canh, tăng vụ sản xuất nông nghiệp, tăng độ che phủ, tăng mực nước ngầm trong vùng, cải thiện được môi trường, khí hậu...

Theo đó, 2 hồ chứa được quy hoạch là hồ Đắk N’Ting, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) có sức chứa bình quân theo công suất thiết kế là 4,6 triệu m³, bảo đảm nước tưới cho 530 ha cây trồng trong khu vực. Hồ Đắk Gằn, xã Trúc Sơn (Chư Jút) có sức chứa bình quân theo công suất thiết kế là 5,5 triệu m³ bảo đảm nước tưới cho 600ha cây trồng trong khu vực.

Việc ưu tiên đối với các dự án cấp bách để chủ động ứng phó với BĐKH là không thể trì hoãn. Vì vậy, các dự án đầu tư xây dựng các hồ chứa nước đang được tỉnh tính toán, lựa chọn phương pháp phù hợp, bảo đảm tính bền vững, phát huy hiệu quả cao, đáp ứng được yêu cầu của địa phương. Bên cạnh đó, việc trồng rừng phòng hộ đầu nguồn là rất quan trọng và cũng là ưu tiên số 1.

Tỉnh đang chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương triển khai công tác kiểm kê đất rừng để thực hiện việc trồng rừng phòng hộ. UBND tỉnh cũng giao Sở Tài nguyên-Môi trường chủ trì, phối hợp các ngành liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả các định hướng ưu tiên của Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Mục tiêu Thiên niên kỷ về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, đề ra các giải pháp thực hiện cụ thể tại địa phương.

Hiện nay, theo dự báo của ngành chức năng, do tác động của BĐKH, hiện tượng El Nino đang và sẽ ảnh hưởng lớn tới sản xuất vụ đông xuân 2015-2016 trên địa bàn tỉnh. Điển hình là tình trạng hạn hán, thiếu nước tưới cho các loại cây trồng sẽ diễn ra trên diện rộng, nhất là ở các huyện Đắk Mil, Chư Jút, Krông Nô.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương nêu cao tính an toàn trong sản xuất, giảm bớt thiệt hại do thiếu nước. Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, ứng phó có hiệu quả với những bất lợi về khí hậu, nhằm bảo đảm sản xuất hiệu quả, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO