Cấp "sổ đỏ: cho đất có nguồn gốc lấn chiếm đất lâm nghiệp: Nhiều phát sinh, vướng mắc

Lam Giang| 12/11/2015 09:15

Sau hơn 1 năm thực hiện Kế hoạch 437 ngày 10/10/2014 của UBND tỉnh về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đối với 63.057 ha đất có nguồn gốc lấn chiếm đất lâm nghiệp từ ngày 1/7/2004 đến ngày 1/1/2010 đã được thu hồi từ các nông, lâm trường giao về cho các địa phương quản lý và bố trí sử dụng, kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn.

ADQuảng cáo

Theo tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) thì tính đến ngày 31/10/2015, toàn tỉnh chỉ mới cấp GCNQSĐ được 1.648,58 ha/63.057 ha, với số tiền thu về cho ngân sách địa phương khoảng trên 1,7 tỷ đồng.

Địa phương cấp GCNQSĐ được nhiều nhất là huyện Tuy Đức, với diện tích trên 899 ha, với số tiền thu được gần 500 triệu đồng; Đắk Glong cấp 289,96 ha, thu được là 316 triệu đồng…

Qua đánh giá, việc thực hiện cấp  GCNQSDĐ được người dân hết sức phấn khởi, vì có thể tín chấp vay vốn ngân hàng để đầu tư sản xuất, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội. Nhà nước có cơ sở để quản lý về đất đai, thu các khoản thuế, phí và lệ phí từ đất như: lệ phí trước bạ, thuế chuyển quyền sử dụng đất, thuế chuyển mục đích sử dụng đất…

Tuy nhiên, trong khi diện tích cần được cấp GCNQSDĐ còn rất lớn, nhưng hiện nay quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc. Trao đổi tại Hội nghị giao ban báo chí tháng 10 vừa qua, ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, sở dĩ việc chuyển đổi trên 63.000 ha đất lấn chiếm đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp chậm là do nhiều nguyên nhân.

Trước hết là do thời gian đầu công tác chỉ đạo, đôn đốc của UBND một số huyện chưa quyết liệt, dẫn tới tiến độ thực hiện còn chậm, một số khó khăn vướng mắc không được tháo gỡ kịp thời. Việc rà soát, bóc tách diện tích đã được đo đạc để lập kế hoạch thực hiện trong năm 2015 của một số đơn vị còn chậm. Một khó khăn nữa là các loại quy hoạch như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch 3 loại rừng… không đồng bộ, ranh giới không trùng khớp nên mất rất nhiều thời gian để rà soát, điều chỉnh.

ADQuảng cáo

Cùng với đó, việc thực hiện kiểm kê đất đai năm 2005 của UBND các xã còn nhiều sai sót, dẫn đến nhiều khu vực bản đồ hiện trạng sử dụng đất được lập không đúng với thực tế sử dụng. Cụ thể, tại thời điểm kiểm kê đất đai năm 2005, nhiều khu vực người dân đã sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, nhưng trên bản đồ hiện trạng vẫn thể hiện là đất lâm nghiệp. Điều này, dẫn tới khó khăn cho việc xác định diện tích đất lấn chiếm trước hay sau năm 2004 để làm cơ sở thu phí đo đạc theo Nghị quyết  số 40 của HĐND tỉnh.

Với vai trò là cơ quan chủ lực trong thực hiện Kế hoạch 437, Sở TN-MT sẽ tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã thực hiện hoàn thành các mục tiêu đề ra theo hướng tạo thuận lợi cho người dân trong việc kê khai đăng ký cấp GCNQSDĐ. Cụ thể, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, các địa phương cần công khai các khoản phí và lệ phí để người dân được biết.

Việc kê khai thuế, phí và lệ phí đo đạc, cấp GCNQSDĐ sẽ được thực hiện cùng lúc nhằm giảm thời gian đi lại cho người dân… Sở cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương xây dựng quy chế phối hợp giữa các ngành và UBND cấp xã trong việc cấp GCNQSDĐ, chuyển thông tin thuế, thu phí và lệ phí đo đạc, kê khai đăng ký. Việc kiểm tra, thẩm tra hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ được thực hiện ngay trong quá trình xét duyệt tại UBND cấp xã để giảm bớt thời gian…

Các huyện, thị xã rà soát, khoanh vẽ, báo cáo số liệu diện tích thực tế người dân đã sử dụng ổn định vào mục đích sản xuất nông nghiệp, nhưng trên bản đồ hiện trạng sử dụng đất vẫn thể hiện là đất lâm nghiệp để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xử lý. Công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng cho phù hợp với quy hoạch sử dụng đất làm cơ sở cấp GCNQSDĐ cho nhân dân cũng sẽ được đẩy mạnh thực hiện…

Hy vọng rằng, với sự vào cuộc của các ngành, địa phương trong tỉnh, việc quản lý, bố trí sử dụng 63.057 ha đất có nguồn gốc lấn chiếm đất lâm nghiệp sẽ đạt được kế hoạch đề ra. Qua đó, không những nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý đất đai, hạn chế tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai, mà các địa phương còn có cơ sở sắp xếp lại dân cư, tạo điều kiện cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, dân di cư tự do được ổn định nơi ở, sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấp "sổ đỏ: cho đất có nguồn gốc lấn chiếm đất lâm nghiệp: Nhiều phát sinh, vướng mắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO