Cần sớm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại Nhà máy Chế biến cao su Nam Đạt

Lê Phước| 04/01/2017 09:54

Thời gian gần đây, Nhà máy Chế biến cao su Nam Đạt của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Nam Đạt (Công ty Nam Đạt) ở xã Chư K’nia (huyện Chư Jút, Đắk Nông) thường xuyên gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của hàng trăm hộ dân địa phương. Mặc dù, người dân đã nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay, tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục, gây bức xúc dư luận địa phương.

ADQuảng cáo

Mủ cao su tập kết bừa bãi trong khuôn viên nhà máy của Công ty Nam Đạt

Từ nhiều năm trước, Công ty Rạng Đông đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su rộng 3,76 ha tại thôn 1, xã Chư K’nia. Nhưng sau một thời gian dài hoạt động không có hiệu quả, nhà máy ngừng hoạt động và trở thành tài sản phát mại của ngân hàng. Mới đây, toàn bộ nhà máy được bán lại cho Công ty Nam Đạt.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Nam Đạt cho biết: “Sau quá trình tu sửa và làm các thủ tục có liên quan, nhà máy đã tái hoạt động từ tháng 7/2016. Mỗi ngày, nhà máy thu mua khoảng 16 tấn mủ cao su thô và công suất chế biến hiện tại là 0,8 tấn/giờ”.

Nước thải trong quá trình chế biến mủ cao su chảy trực tiếp ra sân bãi

Điều đáng quan tâm là nhà máy này nằm ngay trên tuyến đường liên xã Trúc Sơn - Chư K’nia, xung quanh là nhà ở của nhiều hộ dân. Từ khi nhà máy tái hoạt động, người dân địa phương liên tục phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường do nhà máy gây ra.

Ông Lê Lương Kế, Phó Chủ tịch UBND xã Chư K’nia cho hay: “Những hộ dân xung quanh nhà máy rất bức xúc và liên tục phản ánh lên chính quyền địa phương. Mặc dù, chúng tôi đã kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền nhưng nhiều tháng nay, tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được khắc phục. Mùi hôi thối từ nhà máy vẫn tiếp tục phát tán ra ngoài môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhiều hộ dân địa phương”.

Nước thải trong quá trình chế biến mủ cao su chảy trực tiếp ra sân bãi

ADQuảng cáo

Ngoài các hộ dân tại xã Chư K’nia thì nhiều hộ dân ở thôn 5, xã Trúc Sơn cũng phản ánh mùi hôi do nhà máy cao su ảnh hưởng đến đời sống của họ.

Ông Lã Thái Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Trúc Sơn cho hay: “Thời gian gần đây, địa phương liên tục nhận được ý kiến của bà con ở thôn 5 về tình trạng ô nhiễm không khí do nhà máy cao su gây ra. Chúng tôi đang nắm bắt thông tin và kịp thời có kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền kiểm tra, xử lý.”

Nước thải tại các hồ chứa trong nhà máy đen ngòm và có mùi hôi thối, khó chịu

Trao đổi qua điện thoại, bà Mai Thúy Quỳnh, Giám đốc Công ty Nam Đạt thừa nhận những ảnh hưởng về môi trường do nhà máy chế biến mủ cao su gây ra là có thật. “Nhà máy tái hoạt động đúng vào thời điểm mùa mưa nên nước thải trong quá trình chế biến mủ cao su vẫn rò rỉ ra ngoài. Bên cạnh đó, mùi hôi đặc trưng của mủ cao su cũng đang tiếp tục phát tán ra môi trường. Sau khi mùa mưa kết thúc, chúng tôi sẽ đầu tư cải tạo các hạng mục xử lý nước thải, đồng thời có các biện pháp giảm thiểu mùi hôi để hạn chế tới mức thấp nhất ảnh hưởng về môi trường do nhà máy gây ra” - bà Quỳnh cho hay.

Bà Đinh Thị Nhi có rẫy canh tác ở thôn 1, xã Chư K’nia (Chư Jút) cho rằng nước thải từ nhà máy chảy xuống, gây ô nhiễm hồ nước của gia đình bà.

Được biết,  vào tháng 11/2016, Sở Tài nguyên-Môi trường Đắk Nông đã phối hợp với Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Chư Jút và UBND xã Chư K’nia kiểm tra thực tế tại nhà máy Nam Đạt. Đoàn kiểm tra đã phát hiện hệ thống xử lý nước thải tại nhà máy chưa được cải tạo, đầu tư xây dựng đảm bảo đạt quy chuẩn; các khu vực tập kết nguyên liệu của nhà máy chưa đảm bảo yêu cầu…

Đoàn kiểm tra đã yêu cầu Công ty Nam Đạt khẩn trương hoàn thiện các thủ tục hồ sơ pháp lý về môi trường, tài nguyên nước… theo đúng quy định; đầu tư xây dựng vận hành hệ thống xử lý nước thải đảm bảo đạt quy chuẩn môi trường, sử dụng các chế phẩm thường xuyên phun xịt tại các khu vực phát sinh mùi hôi để hạn chế tối đa mùi hôi phát sinh bên ngoài.

Nhưng tại thời điểm chúng tôi có mặt tại nhà máy, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn chưa được khắc phục. Mủ cao su được tập kết bừa bãi trong khuôn viên nhà máy, không hề được che đậy. Nước thải trong các hoạt động chế biến mủ cao su vẫn chảy trực tiếp ra khu vực sân bãi trước khi đổ ra các hồ chứa đen ngòm bên dưới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần sớm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại Nhà máy Chế biến cao su Nam Đạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO