Sưu tập và sẵn sàng hiến tặng cổ vật vì niềm đam mê

Hoàng Thanh| 16/12/2019 10:19

Những ngày cuối năm 2019, các nhà sưu tập cổ vật ở tỉnh Bình Thuận đã hiến tặng Bảo tàng tỉnh Đắk Nông gần 800 cổ vật. Trong đó, riêng nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn hiến tặng hơn 500 cổ vật, mang nhiều dấu ấn lịch sử của dân tộc.

ADQuảng cáo

“Kho báu” vô giá

Để tôn vinh, tỉnh đã tổ chức một buổi lễ tiếp nhận thật trang trọng, gương mặt của mọi người đầy những nét hân hoan. Không giấu được niềm vui, ông Nguyễn Anh Bằng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh xúc động: Đây là lần đầu tiên tỉnh Đắk Nông được hiến tặng một số lượng lớn cổ vật vô cùng giá trị, thực sự là một “kho báu”, gồm nhiều thể loại và chất liệu khác nhau từ thời tiền sử cho đến đầu thế kỷ XX.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Ẩn và các nhà sưu tập cổ vật tư nhân ở tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Hoàng THanh

Điển hình như công cụ sản xuất bằng đá, đồ dùng sinh hoạt (bình, chén, bát, đĩa), đồ trang sức (vòng cổ, vòng tay, bông tai)… Nhiều cổ vật có niên đại rất sớm từ 500-700 năm trước Công nguyên và thuộc các nền văn hóa như: Sa Huỳnh, Đông Sơn, Óc Eo. Một số cổ vật có niên đại từ thế kỷ thứ X đến đầu thế kỷ XX thuộc các nền văn hóa Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn, Chămpa. Ngoài ra, còn có các cổ vật thời nhà Hán, Minh và Thanh (Trung Quốc).

Theo đánh giá của giới chuyên môn, hầu hết những cổ vật mà ông Nguyễn Ngọc Ẩn cùng các nhà sưu tập tư nhân khác hiến tặng là những cổ vật quý, hiếm, nhất là những cổ vật đồ gốm, đồ trang sức. Đơn cử như bát, nậm bằng gốm, vòng cổ, vòng đeo tay, bông tai thời Lý, Trần… là những cổ vật rất hiếm, có giá cao trên thị trường mua bán đồ cổ hiện nay.

Tri ân những người có tấm lòng thơm thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh đã khẳng định, đây là nghĩa cử vô cùng cao đẹp của ông Nguyễn Ngọc Ẩn nói riêng và những nhà sưu tập cổ vật Bình Thuận đối với tỉnh Đắk Nông. Những cổ vật vô giá, làm phong phú hơn kho hiện vật của Bảo tàng tỉnh. Trong tương lai gần tỉnh sẽ sớm đầu tư xây dựng Bảo tàng tỉnh để trưng bày, phục vụ người dân, du khách.

“Ăn ngủ” cùng cổ vật

ADQuảng cáo

Ông Nguyễn Ngọc Ẩn cho biết: Hồi còn học tiểu học, tôi rất yêu môn Lịch sử và luôn tò mò, thường xuyên hỏi thầy, cô giáo như: Người tiền sử dùng công cụ bằng đá như thế nào? Thời các Vua Hùng lập nước và giữ nước có những nét văn hóa gì đặc biệt?... Rồi khi những kiến thức về lịch sử trên lớp học cũng chưa thỏa chí tò mò, tôi đạp xe gần 20 cây số ra tận thư viện tỉnh Bình Thuận tìm những cuốn sách văn hóa, lịch sử để tìm hiểu. Hồi đó, thứ tôi đam mê tìm hiểu nhất là các công cụ bằng đá của người tiền sử, mỗi khi nghe ở đâu bị đào trộm mộ cổ là tôi đến ngay rồi nhặt nhạnh những thứ người ta vứt đi như mảnh sành, đồ sứ và đem về nhà cất”.

Với tình yêu cổ vật, khi đã am hiểu, ông Ẩn đã tích cực sưu tầm, tìm mua. Đến nay dù chỉ mới ngoài 40 tuổi song ông đã có 20 năm “ăn ngủ” cùng cổ vật. Hiện căn nhà ông ở đường Chế Lan Viên, phường Mũi Né, TP. Phan Thiết (Bình Thuận) có một kho cổ vật đồ sộ gồm trên 40.000 cổ vật thuộc nhiều triều đại khác nhau.

Sở hữu cả một “gia tài” khổng lồ nhưng ông Ẩn chưa bao giờ nỡ lòng bán đi một món đồ cổ nào. Với ông, mỗi hiện vật đều chứa đựng một linh hồn, giá trị văn hóa, lịch sử riêng, nên không muốn những “đứa con tinh thần” của mình trở thành hàng hóa mua bán. Nhưng “vua đồ cổ” lại sẵn sàng cho đi hàng ngàn cổ vật nếu như nghe ở nơi nào đó đang thiếu hiện vật để dùng vào việc giảng dạy cho học sinh, sinh viên hoặc để trưng bày giới thiệu văn hóa, lịch sử đến người dân và du khách. Đến nay, ông đã hiến tặng hàng nghìn cổ vật cho 30 bảo tàng và trung tâm nghiên cứu văn hóa trong cả nước.

Nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn thuyết trình về những cổ vật đồ gốm thời Lý, Trần mà ông hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Hoàng THanh

Sẽ tặng thêm 1.000 cuốn sách cổ

Theo nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn, ông sưu tập và sẵn sàng hiến tặng cổ vật vì niềm đam mê, với mong muốn lan tỏa sự đa dạng, phong phú về đời sống văn hóa, sinh hoạt, phong tục của người Việt xưa đến với cộng đồng.

Ông Ẩn trải lòng: Tôi rất có cảm tình với đất và người Đắk Nông. Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao Du lịch và Bảo tàng tỉnh Đắk Nông nhiều lần xuống nhà tôi đề cập đến việc Bảo tàng tỉnh đang rất thiếu những cổ vật, trong khi nguồn kinh phí của tỉnh có hạn. Trong quá trình sưu tầm cổ vật nhiều lần tôi đến vùng đất này, người dân ở đây còn nghèo song rất giàu tình cảm, bà con đã chỉ cho tôi thu thập nhiều hiện vật rất có giá trị. Vì vậy, tôi quyết định tặng Bảo tàng tỉnh Đắk Nông lượng cổ vật nhiều so với các tỉnh, thành khác, giúp làm dày thêm những tư liệu lịch sử, hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu, học tập và tham quan, hưởng thụ văn hóa của người dân.

Cũng theo ông Ẩn, tới đây ông sẽ vận động nhiều nhà sưu tầm khác hiến tặng thêm nhiều cổ vật cho tỉnh Đắk Nông. Riêng ông, sắp tới sẽ tặng Thư viện tỉnh Đắk Nông 1.000 cuốn sách cổ. Ông cũng mong Bảo tàng tỉnh Đắk Nông sớm có cơ sở đàng hoàng để bảo vệ, trưng bày những cổ vật, hiện vật lịch sử, phục vụ người dân và du khách khắp nơi.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sưu tập và sẵn sàng hiến tặng cổ vật vì niềm đam mê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO