Khi khấm khá cần phải biết trân trọng, giúp đỡ người khác đang khó khăn

Thanh Nga| 19/08/2019 09:40

Ở tuổi 40, anh Phạm Văn Khang ở thôn 8, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) đã có hàng chục hécta đất, hàng năm thu về tiền tỷ. Không những tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, anh còn là một cán bộ hội nông dân nhiệt tình, giúp nhiều hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống.

ADQuảng cáo

Năm 2002, anh Khang cùng gia đình rời quê hương Tuyên Quang vào Tây Nguyên lập nghiệp. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, tìm hiểu thông tin, tham quan thực tế các mô hình, anh đã chọn hướng sản xuất, làm ăn ban đầu là trồng 2 ha khoai lang Nhật Bản để xuất khẩu. Từ đó, với sự năng động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới đã giúp anh tích lũy, mở rộng đất đai, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, trồng đa cây, nuôi đa con và tích góp vốn từ kinh doanh, đến năm 2012 gia đình anh đã có 45 ha đất để chăn nuôi, trồng trọt.

Anh Phạm Văn Khang (bên trái) khởi nghiệp từ trồng khoai lang Nhật Bản xuất khẩu

Anh Khang chia sẻ: “Bản thân ham những điều mới lạ nên thích tìm hiểu những cây trồng mới, cách làm mới. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật mới hay cây trồng mới cần thí điểm ở quy mô nhỏ để rút kinh nghiệm, không vội vàng làm ồ ạt ngay từ đầu, mà cẩn trọng để tránh những thiệt hại. Tôi khởi nghiệp từ trồng khoai lang Nhật Bản, lúc đó cũng là cây trồng mới ở địa phương. Sau này, tôi thu mua khoai lang bán cho các thương lái, công ty ở tỉnh Lâm Đồng và xuất khẩu”.

Từ đó, hàng năm, gia đình anh mở rộng diện tích, liên kết với nhiều hộ dân và thu nhập cũng tăng lên. Hiện nay, gia đình anh có khoảng 60 ha đất, trồng thêm các loại cây ăn trái như sầu riêng, bơ...

ADQuảng cáo

Từ năm 2012 đến nay, anh Khang liên tục đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh và được UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen. Năm 2017, anh Khang vinh dự đại diện cho nông dân của tỉnh Đắk Nông ra Hà Nội tham dự Hội nghị nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương.

Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, anh Khang còn là cán bộ hội nông dân nhiệt tình. Nhiều năm đảm đương Chi hội phó Chi hội nông dân thôn 8, anh có nhiều đóng góp phát triển phong trào ở địa phương. Hàng năm, anh tích cực hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho gần 50 lao động. Mỗi năm, anh giúp đỡ từ 40-50 lao động có việc làm, thu nhập ổn định. Trong 5 năm qua, anh giúp đỡ 20 lượt hộ nghèo, hộ khó khăn về kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm làm ăn để phát triển sản xuất.

Anh Phạm Văn Khang (bên trái) đang thí điểm trồng giống hồ tiêu mới

Anh Khang cho biết, ban đầu gia đình cũng gặp rất nhiều khó khăn, không biết làm thế nào và bắt đầu từ đâu để có được một ít diện tích vườn rẫy để làm ăn, ổn định cuộc sống. Năm 2005, tôi làm đơn xin vào sinh hoạt hội và được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, bà con giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn và từ đó cuộc sống khá lên. Vì vậy, sau này, với trách nhiệm là cán bộ hội cơ sở, tôi luôn gương mẫu, động viên hội viên, bà con trong phát triển kinh tế, tham gia phong trào như sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ quốc phòng-an ninh, văn nghệ, thể dục thể thao. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, khi gia đình mình khó khăn, được tổ chức hội, bà con, làng xóm hỗ trợ nhiều thứ mới vươn lên được. Vì vậy, khi mình khấm khá cần phải biết trân trọng, giúp đỡ người khác đang khó khăn, đó là nghĩa cử, tình cảm giữa người với người mà thôi.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi khấm khá cần phải biết trân trọng, giúp đỡ người khác đang khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO