Cô giáo hết lòng vì học sinh vùng biên

Lê Quang Sáng| 09/01/2020 08:32

Sinh ra và lớn lên tại thị trấn Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, là chị cả trong gia đình có 4 chị em. Tháng 5/2003, Roãn Thị Ngọc Hảo viết đơn xin làm công nhân tại Binh đoàn 16, được biên chế về Trung đoàn 726.

ADQuảng cáo

Những năm đầu lao động công tác, ngày ngày thấy các em nhỏ trên lưng theo mẹ lên rẫy, mồ hôi nhễ nhại, tóc hoe vàng, bụi bám đỏ quần áo, chân đất, đầu trần…, Hảo luôn canh cánh suy nghĩ phải đóng góp một phần nào đó giúp mảnh đất và con người nơi đây. Nghĩ là làm, Hảo lên trình bày ý nguyện của mình với Chỉ huy Trung đoàn và được chỉ huy đồng ý cho chị theo học Trường Trung cấp Sư phạm Mẫu giáo - Nhà trẻ Hà Nội. Hai năm tại trường, chị cố gắng học tập tốt mong trau dồi được nhiều kinh nghiệm để khi về mang con chữ và tình thương đến với các em nhỏ nơi vùng biên nắng gió này.

Cô giáo Hảo trong một giờ dạy học.

Năm 2008, Hảo tốt nghiệp về đơn vị nhận nhiệm vụ giáo viên mầm non của Trung đoàn, được biên chế về phân hiệu Ðội 2. Trên cương vị mới, với lòng nhiệt huyết và kinh nghiệm học tại trường, không muốn các em thơ nơi đây vất vả, chị đã đi đến từng nhà vận động các gia đình đưa các em nhỏ đến trường. Trong điều kiện đơn vị mới thành lập lại đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới gặp muôn vàn khó khăn, giao thông đi lại trơn trượt về mùa mưa, mùa khô đất bụi mù mịt, đồng bào địa phương ít giao tiếp bằng tiếng phổ thông nhưng chị kiên trì vận động các gia đình. Lớp học của cô giáo Hảo ngày qua ngày số lượng học sinh tăng lên theo thời gian. Ðể tạo hứng thú cho trẻ khi đến lớp, chị đã tận dụng các nguyên liệu như bìa giấy, vỏ lon, chai, can nhựa… để sáng tạo ra những con thú “cưng”, những bông hoa, những ngôi nhà xinh xắn giúp học sinh “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Mặc dù, công tác nơi vùng sâu, vùng xa nhưng cô giáo Hảo luôn chủ động học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thường xuyên nghiên cứu tài liệu, sách tham khảo, ứng dụng công nghệ thông tin để vận dụng vào giảng dạy, luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của đồng nghiệp để khắc phục khuyết điểm. Bám sát kế hoạch của trên, vào đầu năm học, cô giáo Hảo luôn chủ động xây dựng kế hoạch chăm sóc giáo dục trẻ cụ thể, trong đó chú trọng việc kết hợp giữa gia đình, cộng đồng, nhà trường để thúc đẩy tạo điều kiện chăm sóc giáo dục, phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của trẻ. Cùng với thường xuyên quan tâm đến các học sinh nhằm thúc đẩy sự tiến bộ, cô giáo Hảo còn tạo điều kiện cho trẻ được khám phá, thỏa sức sáng tạo trong môi trường gần gũi, thân thiện ở lớp cũng như ở nhà. Chính vì vậy, trẻ đến lớp không còn rụt rè, tích cực tham gia trải nghiệm vào các hoạt động học tập, vui chơi. Sức sáng tạo độc lập ở mỗi trẻ được tăng lên rõ rệt, 100% trẻ trong độ tuổi đủ điều kiện lên lớp 1. Ðặc biệt, cô giáo Hảo luôn chú trọng chăm sóc giáo dục trẻ khuyết tật, luôn yêu thương trẻ như con của mình, tạo cho trẻ thói quen tốt, niềm yêu thích đi học, hòa nhập cùng với các bạn trong lớp. Thông qua các cuộc họp, góc tuyên truyền ở lớp, cô giáo Hảo đã kết hợp cùng gia đình theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho trẻ, bảo đảm trẻ được tiêm phòng, uống vắc xin đúng quy định; có biện pháp cụ thể đối với trẻ béo phì, thiếu dinh dưỡng…

ADQuảng cáo

Năm 2011 và 2017, Binh đoàn 16 cử cô giáo Hảo tham dự Hội thi “Giáo viên dạy giỏi và thi mô hình đồ dùng đồ chơi tự tạo bậc học mầm non cấp toàn quân”. Hai lần đi thi thì cả hai lần, cô giáo Hảo được Tổng cục Chính trị công nhận là giáo viên dạy giỏi toàn quân, có 2 sáng kiến kinh nghiệm đạt giải A. Ngoài ra để tạo không khí thi đua giữa các điểm trường trong đơn vị, giữa đơn vị với các trường trên địa bàn huyện Tuy Ðức, cô giáo Hảo đã đề xuất với chỉ huy đơn vị thường xuyên tổ chức các hội thi “Bé khỏe, bé ngoan”; “Bé với an toàn giao thông”;… để lồng ghép, tuyên truyền các chuyên đề nuôi dạy con theo khoa học, an toàn giao thông, thắt chặt thêm tình quân dân nơi biên giới.

Không những là giáo viên giỏi, nhiệt huyết, cô giáo Hảo còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào. Là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Ðội sản xuất 2, chị luôn tổ chức có hiệu quả các nội dung công tác phụ nữ, vì sự tiến bộ phụ nữ gắn với phong trào thi đua quyết thắng của đơn vị. Là đảng viên, chị luôn chấp hành nghiêm Ðiều lệ Ðảng, thực hiện viết, nói và làm theo nghị quyết. Trong các buổi sinh hoạt, chị mạnh dạn đóng góp nhiều ý kiến bổ ích giúp chi bộ tập trung lãnh đạo vào khâu yếu, mặt khó với mục đích chăm lo cho đời sống cán bộ, công nhân và người lao động có thu nhập ổn định, gắn bó vườn cây suất khoán, yên tâm lao động sản xuất. Với những đề xuất của chị, những năm qua đơn vị Ðội sản xuất 2 đã có hàng chục ao thả cá được người lao động cải tạo. Người lao động đẩy mạnh tăng gia trồng xen, chăn nuôi bảo đảm nguồn rau xanh, và nguồn thực phẩm sạch phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và cung cấp một phần cho thị trường.

Với kết quả phấn đấu, rèn luyện, hàng năm chị đều được công nhận là đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Ðảng ủy Trung đoàn khen thưởng. Năm 2017, 2018 được Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam tặng bằng khen; năm 2016, 2017, 2018 được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở; năm 2019 được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quân” và nhiều phần thưởng của Bộ Tư lệnh Binh đoàn 16, Ðảng ủy Trung đoàn 726, cấp ủy và chính quyền địa phương.

Giữa núi rừng biên cương, nơi "phên dậu" Tổ quốc, Roãn Thị Ngọc Hảo - người gieo chữ vùng biên là một tấm gương sáng cho cán bộ, hội viên của Trung đoàn 726 nói riêng, hội viên phụ nữ Binh đoàn 16 nói chung học tập. Chị đang từng ngày góp sức mình cùng với các hội viên hội phụ nữ của đơn vị viết tiếp truyền thống “Ðoàn kết vượt khó; gắn bó với dân; kinh tế - quốc phòng; vững mạnh phát triển” của Binh đoàn 16, tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận sản xuất, làm đẹp thêm hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cô giáo hết lòng vì học sinh vùng biên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO