Xung quanh vụ việc bãi Tư Chính: Thể hiện rõ ý đồ biến vùng không có tranh chấp thành có tranh chấp

Hồ Văn| 06/11/2019 09:01

Gần 4 tháng, chính xác là 113 ngày, kể từ ngày 4/7 đến ngày 24/10, tàu khảo sát Địa chất – Hải dương (HD) 08, được sự hỗ trợ, bảo vệ của một số tàu vũ trang, bán vũ trang hùng hậu của Trung Quốc (TQ), ngày đêm liên tục quần đảo, lúc ra, lúc vào, tiến hành 4 đợt khảo sát khu vực biển xung quanh bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam.

ADQuảng cáo

Những diễn biến tại thực địa và trong dư luận, khiến cho cộng đồng khu vực và quốc tế hết sức bức xúc, quan ngại, thậm chí hoang mang khi tiếp cận nhiều thông tin khác nhau về lập trường và cách ứng xử của các bên liên quan trực tiếp hay gián tiếp đối với sự kiện này. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, xin cung cấp thông tin có căn cứ khoa học, khách quan đến bạn  đọc và Nhân dân.

Những biện minh không có căn cứ

Để biện minh cho những hoạt động của nhóm tàu Địa chất HD 08, TQ khẳng định rằng hoạt động của nhóm tàu này là hoàn toàn hợp pháp, vì: 1. Bãi cạn Tư Chính là bộ phận cấu thành của “Nam Sa quần đảo”, TQ có “chủ quyền lịch sử” đối với quần đảo này. 2. Khu vực biển xung quanh bãi Tư Chính là “vùng biển kế cận”, “vùng biển liên quan” của “Nam Sa quần đảo” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Trong khi đó, để thực hiện chiến lược độc chiếm Biển Đông làm bàn đạp để vươn lên tranh giành siêu cường quốc tế trong cuộc cạnh tranh địa - chính trị - kinh tế, địa – chiến lược với Hoa Kỳ, TQ đã dùng vũ lực xâm chiếm và tạo ra tình trạng tranh chấp chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa vào những năm 1909, 1956, 1974 và một số thực thể ở quần đảo Trường Sa các năm 1946, 1950 (Trung Hoa Dân Quốc) và năm 1988 (Cộng hòa nhân dân Trung Hoa).

Trước vấn đề trên, Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía TQ ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Vì Khu vực bãi Tư Chính là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và TQ đều là thành viên.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

Tại khu vực này, Việt Nam đã và đang tiến hành thăm dò khai thác dầu khí, đã xây dựng các cụm dịch vụ mang tên DK, phù hợp với các quy định về quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển theo Điều 60, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình ở thềm lục địa. Việt Nam có đặc quyền về tiến hành xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình dùng vào mục đích được trù định ở Điều 56 của UNCLOS 1982 hoặc các mục đích kinh tế khác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việt Nam tuyên bố không cố ý biến các bãi ngầm ở thềm lục địa phía nam thành đảo nổi và không ghép chúng vào quần đảo Trường Sa, đồng thời bác bỏ sự gán ghép này.

Đối chiếu của những quy định của UNCLOS 1982, luật Biển Việt Nam năm 2012, cũng như các tiền lệ hợp pháp, đặc biệt là phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế The Have năm 2016, khu vực bãi cạn Tư Chính, Vũng Mây, Quế Đường, Huyền Trân… ở cách đường cơ sở thẳng dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa Việt Nam công bố năm 1982 dưới 200 hải lý; nếu tính từ các điểm nhô xa nhất của các đảo thuộc quần đảo Côn Đảo, Phú Qúy, là những đảo thích hợp cho đời sống của cộng đồng dân cư và đời sống kinh tế riêng, thì khu vực biển này vẫn ở dưới khoảng cách 200 hải lý.

Như vậy có thể khẳng định, Khu vực biển Tư Chính không phải là vùng biển kế cận và liên quan của Nam Sa quần đảo như Trung Quốc tuyên truyền. Theo phần VIII, Điều 121, UNCLOS 1982 quy định: 1. “Một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước”. 2. “Với điều kiện phải tuân thủ Khoản 3, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của hòn đảo được hoạch định theo đúng các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác”. 3. “Những hòn đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa”. Theo phán quyết của Hội đồng Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII để xử vụ Philippines kiện Trung Quốc vào năm 2016, nếu căn cứ vào nguồn gốc của các đảo thuộc quần đảo Trường Sa thì tất cả các đảo ở đây rất nhỏ bé, không thích hợp cho đời sống cộng đồng dân cư và không có đời sống kinh tế riêng nên chỉ có thể có vùng lãnh hải tối đa 12 hải lý.

ADQuảng cáo

Trung Quốc đã tuyên bố hệ thống đường cơ sở thẳng tại quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) năm 1996 (15/5/1996), vận dụng theo phương pháp thiết lập đường cơ sở quốc gia quần đảo. Như vậy, Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai các quy định của Phần IV, UNCLOS 1982 trong việc xác lập hệ thống đường có cơ sở ở quần đảo Trường Sa mà họ gọi là Nam Sa, sau khi họ đã chiếm đóng được tại các thực thể là các bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa của các quốc gia xung quanh Biển Đông.

Từ cách xác lập đường cơ sở sai trái đó, Trung Quốc khẳng định họ có chủ quyền xác định các “vùng biển liên quan” 200 hải lý xung quanh các quần đảo ở giữa Biển Đông là hoàn toàn không có căn cứ.

Bãi Tư Chính không thể là một bộ phận của “quần đảo Nam Sa”

Phần IV, Điều 46, UNCLOS 1982 đã định nghĩa: “Quần đảo” (Archipel) là một tổng thể các đảo, kể các các bộ phận của các đảo, các vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau đến mức tạo thành về thực chất một thể thống nhất về địa lý, kinh tế  và chính trị, hay được coi như thể về mặt lịch sử.

“Kiên quyết và kiên trì…”

Đến nay, mặc dù HD 08 của TQ đã rút, không còn hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, không về neo đậu ở căn cứ Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, song theo nhiều phân tích, đánh giá của chuyên gia, vì bất kỳ nguyên nhân nào đi chăng nữa thì chiến lược độc chiếm Biển Đông và những tính toán để thực hiện chiến lược này của TQ vẫn không thay đổi, thậm chí còn mạnh và nguy hiểm hơn. Vì vậy có nhiều khả năng thời gian sắp tới, TQ tiếp tục triển khai các mũi tiến công mới nguy hiểm hơn, trong đó không trừ khả năng họ kéo dàn khoan xuống khu vực này để tạo ra tình huống “chuyện đã rồi”.

Về tình hình Biển Đông, phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: “…phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần năm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua…”.

Phương châm phản ánh chiến lược và sách lược trong chính sách nhất quán và đáng đắn của Đảng, Nhà nước ta về tình hình Biển Đông đã được nhấn mạnh một lần nữa trong báo cáo của Chính phủ Việt Nam  do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội trong kỳ họp Quốc hội thứ 8, khóa XIV tại Hà Nội ngày 21/10/2019: “Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta không bao giờ nhân nhượng, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước”.

Vì vậy, hiện nay công tác tuyên truyền, giáo dục cần tập trung phân tích, đánh giá tình hình Biển Đông một cách có căn cứ khoa học, khách  quan, có lý, có tình: Nâng cao nhận thức biển đảo cho mọi tầng lớp cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân; củng cố sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, tạo nên sự đồng lòng, nhất trí và hành xử theo đúng phương châm của Đảng, Nhà nước mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh trong phát biểu trước cử tri: “Chúng ta kiên quyết và kiên trì” đấu tranh bảo vệ  các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong Biển Đông.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xung quanh vụ việc bãi Tư Chính: Thể hiện rõ ý đồ biến vùng không có tranh chấp thành có tranh chấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO