Thuận An vững vàng nơi vùng biên

Nguyễn Hiền| 27/04/2015 14:26

Nằm ở vùng biên giới, lại có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, sau ngày giải phóng, vượt qua những khó khăn thử thách trên con đường đi lên, xã Thuận An (Đắk Mil) hôm nay đã có nhiều khởi sắc, khi mà lòng dân cùng đồng thuận.

ADQuảng cáo

Nhiều hộ dân ở Thuận An đã xây dựng được nhà cửa khang trang

Chuyện ngày ấy

Già làng K’Jam ở bon Bu Đắk năm nay đã gần 80 tuổi vẫn còn nhớ như in cuộc sống của đồng bào, bon làng trước năm 1975. Lúc đó, cả khu vực Thuận An bây giờ nằm bên cạnh căn cứ Núi Lửa, nơi có một trung đội pháo binh và 1 đại đội bộ binh của địch trú đóng. Hàng ngày, để cách ly đồng bào với cán bộ cách mạng, địch tăng cường tổ chức bố ráp, vào tận từng nhà dân lùng sục.

Mãi đến ngày 9/3/1975, khi quân giải phóng đánh chiếm quận lỵ Đức Lập, thì căn cứ Núi Lửa cũng bị pháo kích dữ dội, tiêu diệt hoàn toàn. Với sự vận động, kêu gọi của cán bộ cách mạng, đồng bào đã đồng loạt nổi dậy, làm chủ bon làng, xóa bỏ tề ngụy, kêu gọi tàn binh trình diện cách mạng.

Chưa hết, sau ngày giải phóng, Thuận An cũng là địa bàn mà tổ chức Fulrô hoạt động mạnh. Chúng thường vào các bon làng lôi kéo, xúi giục những người nhẹ dạ cả tin tham gia tổ chức, có các hoạt động phá hoại đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Không những vậy, ngay cả đến những năm về sau này, vì nhận thức còn hạn chế nên một bộ phận đồng bào đã nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu tham gia vượt biên trái phép cũng như phá hoại tình đoàn kết bon làng. Vì vậy, đời sống của đại đa số đồng bào lúc đó gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn là điều không thể tránh khỏi.

Trước tình hình đó, chính quyền địa phương kết hợp với các tổ chức đoàn thể, già làng, người có uy tín đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, làm cho người dân hiểu rõ chỉ có tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết, chăm lo sản xuất mới ổn định cuộc sống gia đình, xây dựng bon làng ngày càng phát triển đi lên. Cùng với đó, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng đựơc triển khai thực hiện, góp phần tích cực trong việc giúp người dân từng bước ổn định cuộc sống, tạo động lực phát triển kinh tế.

Và bây giờ

Về với Thuận An hôm nay, có lẽ ai cũng có thể cảm nhận được sức sống mới trên vùng “đất lửa” năm xưa. So với nhiều năm trước đây, Thuận An đã thật sự “lột xác” hoàn toàn, với những vùng cà phê, tiêu và xen lẫn trong đó là những thôn xóm, bon làng, nhộn nhịp.

ADQuảng cáo

Thanh niên dân tộc thiểu số ở bon Bu Đắk được hỗ trợ học nghề

Theo ông Nguyễn Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nên đến nay, đời sống của người dân trong xã, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đã có bước phát triển đáng ghi nhận về mọi mặt.

Dễ nhận thấy nhất là từ chỗ chỉ quen với tập quán du canh, du cư, canh tác lạc hậu thì bà con đã từng bước biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Toàn xã hiện có đến hàng nghìn héc ta các loại cây trồng như cà phê, tiêu, lúa nước, ngô, đậu, sắn… đem lại nguồn thu lớn cho đồng bào hàng năm. Hầu hết các hộ dân đã biết chọn các loại giống cây trồng, vật nuôi để tăng năng suất, chất lượng.

Đến nay, 97% số người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên, trong đó, có nhiều người tham gia xuất khẩu lao động, có nguồn thu nhập cao, ổn định. Nhiều hộ đã biết vươn lên làm giàu, có thu nhập hàng năm từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng. Thương mại, dịch vụ cũng có bước phát triển khá về quy mô, ngành nghề, thị trường, hiệu quả kinh doanh, với trên 272 hộ kinh doanh, đạt giá trị 127,4 tỷ đồng/năm.

Đáng mừng nữa là hiện nay, toàn xã không còn hộ nào phải sống trong nhà tạm hay dột nát, không có hộ thiếu đất sản xuất. Thu nhập bình quân đầu người của toàn xã đã đạt 26 triệu đồng/người/năm. Cùng với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng được chú trọng đầu tư xây dựng, với hầu hết các tuyến đường liên xã, liên thôn, bon đều được bê tông và nhựa hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt cũng như giao thương. Mạng lưới trường, lớp, trạm y tế ngày càng được đầu tư xây dựng theo hướng đạt chuẩn. 98% các hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia.

Kinh tế phát triển, đồng bào ở các thôn, bon có điều kiện quan tâm hơn đến việc xây dựng đời sống văn hóa. Với những giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tế, đến nay, toàn xã đã có 9/10 thôn, bon và 1.775/2.359 hộ được công nhận văn hóa.

Đồng bào ở các bon đã biết phát huy và gìn giữ các bản sắc văn hóa  của dân tộc như lưu giữ nghề đan lát, dệt thổ cẩm, may trang phục truyền thống... Hầu hết các gia đình đã chú trọng đến việc cho con em học hành đến nơi đến chốn, nên tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 98%.

Cũng theo ông Cường, trên bước đường đi lên, thực tế xã cũng vẫn đang còn gặp không ít khó khăn, nhưng quan trọng nhất đó là lòng dân đã thuận, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, cùng nhau đoàn kết, chăm lo phát triển kinh tế.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thuận An vững vàng nơi vùng biên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO