Giáo dục quốc phòng-an ninh: Khơi dậy truyền thống yêu nước cho học sinh

Phan Tân| 26/05/2016 14:02

Xác định giáo dục quốc phòng - an ninh (QP-AN) là nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ không thể thiếu trong chương trình giảng dạy ở các trường THPT, trung cấp chuyên nghiệp, ngành Giáo dục thường xuyên quan tâm chỉ đạo cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên tích cực, tự giác tham gia và phấn đấu đạt kết quả tốt.

ADQuảng cáo

Nếu như trước đây, môn học giáo dục QP-AN được bố trí học tập trung với thời gian ngắn, thì hiện nay được các trường THPT trên địa bàn tỉnh tổ chức giảng dạy theo phân phối chương trình của Bộ Giáo dục-Đào tạo, với mỗi năm học có 35 tuần thực học. Trong đó, học kì I học 19 tuần, học kì II học 18 tuần, mỗi tuần có 1 tiết học được sắp xếp phù hợp với kế hoạch giảng dạy chung.

Để việc dạy và học giáo dục QP-AN đạt hiệu quả, ngành Giáo dục đặc biệt quan tâm xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có khoảng 35 giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy giáo dục QP-AN; trong đó có 18 giáo viên được công nhận dạy giỏi cấp trường, 5 giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia. 100% giáo viên đã được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng tại Trung tâm giáo dục quốc phòng Tây Nguyên và tại địa phương.

Học sinh Trường THPT Chu Văn An (Gia Nghĩa) thực hành tháo lắp súng trong giờ học môn giáo dục QP - AN

Các trường THPT đều thành lập 1 tổ chuyên môn giáo dục thể chất - giáo dục quốc phòng để chỉ đạo công tác chuyên môn. Chương trình học tập được quản lý chặt chẽ như các bộ môn văn hóa khác, có đánh giá, kiểm tra, cho điểm đúng quy chế.

Bên cạnh đó, các trường còn tổ chức hội thao, tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú như nói chuyện thời sự, lịch sử cách mạng, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam. Các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ cũng được tổ chức, tập trung vào nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, gương chiến đấu anh dũng của các anh hùng liệt sĩ.

ADQuảng cáo

Cùng với việc tổ chức chương trình giáo dục QP- AN bám sát khung chương trình chung, tình hình thực tế địa phương, đơn vị, ngành Giáo dục  còn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu đổi mới nhiệm vụ dạy và học của môn học. Các trường cũng phối hợp tích cực với Ban chỉ huy quân sự các địa phương mượn trang thiết bị trực quan còn thiếu, bảo đảm 100% nội dung trong chương trình phổ thông có đủ thiết bị học, đáp ứng mục đích, yêu cầu môn học.

Em Đinh Duy Phong, lớp 10A8, Trường THPT Chu Văn An (Gia Nghĩa) nói: “Năm học qua, em đã học được những nội dung về xây dựng kỷ luật trong quân đội, những yêu cầu đối với người bộ đội cũng như những kiến thức về vũ khí, khí tài trong quân đội. Qua đó, em không chỉ hình dung được những vất vả của người lính mà còn mạnh dạn hơn trong giao tiếp”.

Còn em Nguyễn Nhất Phương, Trường THPT Chuyên Nguyễn Chí Thanh cũng tâm sự: “Em cảm thấy môn giáo dục quốc phòng mang đến rất nhiều điều thú vị, nhất là giúp học sinh xây dựng ý thức tự giác, kỷ luật, kỷ cương. Đồng thời, em hiểu hơn về lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc”.

Những nội dung và cách làm hiệu quả trong giáo dục QP-AN của các nhà trường đã mang lại hiệu quả thiết thực. Cụ thể, trong năm 2015 đã có gần 17.482 lượt học sinh của 28 trường THPT và 2 trường trung cấp dạy nghề được học chương trình giáo dục QP-AN, đạt tỷ lệ 100%. Kết quả kiểm tra có 28% học sinh đạt loại giỏi, loại  khá 49%...

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo thì việc giảng dạy môn giáo dục QP-AN đã góp phần khơi dậy, hun đúc truyền thống yêu nước cho học sinh, hiểu về lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam. Thực tế, qua các kỳ thi, hội thao quốc phòng, học sinh làm bài, thực hành rất tốt. Những kết quả đạt được trong công tác giáo dục QP-AN đã nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, học sinh đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục quốc phòng-an ninh: Khơi dậy truyền thống yêu nước cho học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO