Chúng tôi sung sướng, tự hào về Gia Nghĩa - Quảng Đức - Đắk Nông

23/03/2015 14:30

Sau khi Gia Nghĩa và tỉnh Quảng Đức (nay là Đắk Nông) được giải phóng, có những người lính tiếp tục ở lại mảnh đất này để xây dựng cuộc sống mới, cũng nhiều người trở về quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn để sum họp với gia đình. Mặc dù khoảng cách địa lý có xa xôi, thời gian có xóa mờ đi nhiều kỷ niệm nhưng những ký ức về cuộc chiến đấu giải phóng Gia Nghĩa thì vẫn còn in trọn trong trái tim mỗi người. Và để rồi sau 40 năm, những người đã từng chiến đấu trên chiến trường Quảng Đức lại có dịp trải lòng mình về hồi ức đẹp đẽ, hào hùng ấy và ngỡ ngàng trước sự đổi thay, chuyển mình của thị xã Gia Nghĩa nói riêng, của tỉnh Đắk Nông nói chung.

ADQuảng cáo

Quân ta tổ chức vây đánh khiến quân địch chạy tán loạn

Sau khi Đức Lập (nay là Đắk Mil ) và TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) giành được thắng lợi đã làm cho quân địch hoang mang, lo sợ bởi chúng biết rằng trục đường quốc lộ 14 không an toàn, chúng cũng không thể chạy thoát thân về hướng Nâm Nung. Nhận định tình hình này, đêm 20/3, quân của ta ở Kiến Đức và một cánh quân ở Đức Lập cùng tiến quân về Gia Nghĩa. Đêm đó, ta phá hủy được 1 kho đạn và làm cháy 1 phần kho xăng dầu của địch.

Lúc này, Tỉnh trưởng của ngụy lên máy bay bỏ chạy về Sài Gòn và giao Tiểu khu trưởng ở lại chỉ huy điều hành quân. Trước khi đi, hắn đã cho phá hủy tổng đài điện thoại, đốt cháy ty điều hợp nhằm tiêu hủy toàn bộ thông tin tình báo cũng như văn bản lưu trữ của chúng. Bọn cảnh sát cũng cho phá hủy ty cảnh sát. Cho nên, Gia Nghĩa thời điểm này tan hoang lắm, cơ sở vật chất cũng rất nghèo nàn.

Đến sáng 23/3, quân địch chỉ còn một đường rút lui là mở đường 8 (quốc lộ 28) về hướng Lâm Đồng để tháo chạy. Chúng huy động trên dưới trăm xe mở đường. Nhân dân Gia Nghĩa thời đó cũng bị chúng thúc ép nên buộc phải đi theo. Chúng vì hoang mang lo sợ tột độ nên bắt nhân dân trà trộn vào, vừa dân, vừa lính ngụy để tránh sự truy đuổi của ta.

Đến tối 23/3 thì ta đã chốt chặn trên cao không cho địch rút chạy. Sau đó, quân chủ lực nhận lệnh chốt chặn các điểm cao như sân bay, trung tâm hành chính tiếp vận… Đơn vị bộ đội địa phương thì tiếp cận vùng vành đai Gia Nghĩa.

Ba đội công tác của ta gồm T21, T23 và T27 tiếp cận các ấp chiến lược như Khiêm An, Khiêm Cần, Khiêm Bình…làm công tác dân vận, địch vận, không cho bà con chạy tán loạn hay đi xa để liên hệ đưa về. Sau khi Gia Nghĩa giải phóng, các cơ quan, ban ngành tiếp quản toàn hành chính Quảng Đức; ngành Y tế thì tiếp quản Bệnh viện quân dân y Đắk Nông…

Giải phóng xong, tôi không về quê hương Bến Tre mà tiếp tục ở lại Gia Nghĩa và đảm nhận các chức vụ như Thư ký Ủy ban quân quản và sau này là làm Bí thư Huyện ủy Đắk Nông hai nhiệm kỳ từ 1991-2001 thì nghỉ hưu. 40 năm nhìn lại, tôi mới thấy Gia Nghĩa có nhiều sự thay đổi, như “khoác lên mình” chiếc áo mới, nhất là từ khi thành lập tỉnh Đắk Nông đến nay.

Nhà cửa khang trang mọc lên san sát, đường sá rộng mở, giao thương buôn bán, các cửa hàng, cửa tiệm liên tiếp nhau… Cuộc sống của người dân cũng no đủ hơn, sung túc hơn. Tôi tin tưởng rằng, trong thời gian tới, Gia Nghĩa sẽ có những bứt phá mới trong tất cả các lĩnh vực, bay lên cao để vươn ra với các thành phố khác trong cả nước, xứng đáng là đô thị sáng, xanh, sạch đẹp.

Vui như mở hội khi Gia Nghĩa được giải phóng

Thời điểm tháng 3/1975, mặc dù chúng tôi đang tham gia chiến đấu ở chiến trường Đạo Nghĩa vây ép Đại đội 901 của quân địch và phối hợp với bộ đội chủ lực vây Chi khu Nhân Cơ nhưng những thông tin về chiến trường Quảng Đức, thì vẫn luôn theo dõi hàng ngày.

Sáng 23/3, sau khi nghe tin bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương cùng cơ quan dân chính đảng vào tiếp quản thị xã Gia Nghĩa, cờ cách mạng tung bay tại trụ sở hành chính tỉnh Quảng Đức thì anh em lính tráng chúng tôi vui mừng lắm, ai cũng như mở cờ trong bụng.

Mỗi một tin thắng trận là niềm cổ vũ, động viên tinh thần lớn lao giúp chúng tôi thêm vững tin hơn vào Đảng, vào quân đội. Năm ngày sau khi Gia Nghĩa thắng lợi, Đại đội 13 của tôi được điều về án ngữ ngay đầu sân bay, nay là hồ Đại La.

ADQuảng cáo

Thấm thoát 40 năm chiến tranh kết thúc, cũng là thời điểm tôi tròn 50 năm sống, chiến đấu và công tác tại mảnh đất Gia Nghĩa - Đắk Nông này. Mỗi ngày trôi qua chứng kiến sự thay da đổi thịt của Gia Nghĩa, chúng tôi tự hào lắm. Gia Nghĩa hiện đang phát triển về mọi mặt.

Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân luôn đoàn kết vì sự phát triển, thịnh vượng của quê hương anh hùng N’Trang Lơng. Cũng từ đó, tôi luôn nhắc nhở bản thân, tuổi tuy cao, sức tuy yếu, nhưng chí luôn vững bền. Tôi sẽ tiếp tục cống hiến cho mảnh đất thân yêu này, cũng như tiếp tục động viên những bậc lớn tuổi hiến kế để xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu mạnh.

Gia Nghĩa không chỉ đẹp, hiện đại mà vẫn thắm đậm tình người

Tôi tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Đức từ năm 1966 đến 1971. Trong thời điểm này, tôi từng là bộ đội biên phòng Hoa Bắc đóng tại suối Đắk Đam. Cuối năm 1966 thì tôi được lệnh về công tác tại Đại đội 20 của huyện Kiến Đức (nay là huyện Đắk R’lấp) sau đó điều về quân chủ lực của tỉnh Quảng Đức cũ thuộc Đại đội 54.

Trong một lần tham gia đánh địch ở đồn Nhơn Hòa, tôi bị thương và bị lạc đơn vị 6 ngày. Sau đó, đơn vị tìm được và cho đi điều trị tại trại thương binh cửa khẩu X48. Tiếp đó, tôi được cử đi học lớp tài vụ ở Quân khu 10 và về công tác tại Ban Chính trị Tỉnh đội Quảng Đức.

Đến tháng 3/1971, tôi bị thương và ra bắc điều trị. Tuy bị thương không thể tiếp tục vào Nam chiến đấu, thế nhưng hàng ngày, tôi vẫn ngóng tin, nắm bắt tình hình của đồng đội và diễn biến cuộc chiến. Khi nghe tin Gia Nghĩa giải phóng, tôi mừng lắm, cảm giác như vết thương của mình nhẹ nhõm hơn rất nhiều.

Hôm nay, tôi vinh dự được mời vào tham dự Lễ kỷ niệm 40 năm giải phóng Gia Nghĩa - Đắk Nông và 10 năm thành lập thị xã Gia Nghĩa, tôi sung sướng lắm. Mấy chục năm trôi qua, nơi mà chúng tôi từng chiến đấu đã có bước chuyển mình tích cực. Gia Nghĩa hôm nay không chỉ đẹp, rộng lớn, hiện đại mà tình người vẫn chân chất, mặn nồng.

Gia Nghĩa sẽ phát triển vượt bậc xứng đáng là trái tim của tỉnh Đắk Nông

Tôi từng chiến đấu ở chiến trường Quảng Đức từ năm 1966-1971. Sau đó, tôi bị thương phải ra Bắc điều trị. Đến 1973 thì tôi nhận nhiệm vụ án ngữ bên kia bờ sông Đồng Nai để không cho địch mở đường rút chạy. Thời điểm 23/3, khi quân ta vây đánh vào Gia Nghĩa, quân địch đã tháo chạy toán loạn. Vì thế, tôi và đơn vị đã truy kích đánh địch đến cùng.

Gia Nghĩa được giải phóng khiến anh em chúng tôi vừa thực vừa mơ, trong lòng lâng lâng cảm xúc. Gia Nghĩa giải phóng còn tạo động lực để chúng tôi có thêm niềm tin vào sự thắng lợi của quân, dân ta trong cuộc kháng chiến này.

Cũng mấy chục năm, nay được về thăm lại mảnh đất nơi mình từng tham chiến, tôi bồi hồi lắm, những kỷ niệm xưa lại nối tiếp nhau ùa về. Gia Nghĩa trong chiến đấu anh dũng kiên cường bao nhiêu thì nay lại hào hùng bấy nhiêu.

Sự đổi thay của Gia Nghĩa nói riêng, Đắk Nông nói chung như níu kéo, thôi thúc chúng tôi về nhiều hơn nữa để chứng kiến sự phát triển của nó. Với một đô thị trẻ, đẹp, tôi tin rằng, trong tương lai Gia Nghĩa sẽ phát triển vượt bậc hơn nữa về mọi mặt, xứng đáng là trái tim của tỉnh Đắk Nông.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chúng tôi sung sướng, tự hào về Gia Nghĩa - Quảng Đức - Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO