Giữ chặt biên giới, "chia lửa" với hậu phương

Lam Giang| 03/09/2021 08:43

Sát cánh cùng hậu phương, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Đắk Song ở xã Thuận Hạnh (Đắk Song) phối hợp với các lực lượng khác đang ngày đêm căng mình ngăn chặn nhập cảnh trái phép, giữ vững thành trì chống dịch ở biên cương.

ADQuảng cáo

Bền bỉ bám chốt, bám đường biên

Được thành lập từ tháng 4/2020, Chốt tăng cường tuần tra, kiểm soát biên giới, phòng, chống dịch bệnh số 7 của Đồn biên phòng Đắk Song nằm ngay ngã ba đường tuần tra, ẩn mình trong rẫy cà phê của người dân canh tác sát biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ Chốt 7 (Đồn biên phòng Đắk Song) kiên trì bám chốt, tuần tra biên giới

Chốt 7 nằm ở vị trí khá thuận tiện về giao thông, gần khu dân cư nhưng không vì thế mà nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ nơi đây bớt vất vả. Bởi phía đối diện đoạn biên giới do đơn vị phụ trách có nhiều đường mòn và gần với khu vực rẫy sản xuất, sinh sống của khoảng 100 hộ dân làng Chàm của xã Đắk Đam, huyện Ô Răng, tỉnh Mondulkiri (Campuchia).

Trước đây, khi chưa có dịch, bà con làng Chàm vẫn được phía Việt Nam tạo điều kiện cho qua lại biên giới để mua lương thực, thực phẩm hay khám chữa bệnh mỗi khi đau ốm. Còn phía Việt Nam, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số có quan hệ thân tộc với người dân phía Campuchia cũng thường sản xuất, làm rẫy sát biên giới, chỉ một bước chân là qua phía bên kia.

Từ khi dịch xảy ra, nhiệm vụ bảo vệ biên giới lại thêm phần phức tạp, khó khăn hơn, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải trực chiến thường xuyên hơn. Một ngày đi tuần tra của cán bộ, chiến sĩ nơi đây trải dài trên gần chục cây số, luồn lách qua nhiều nương rẫy cà phê của người dân, vừa kết hợp tuần tra đường biên cột mốc, vừa chủ động phát hiện, ngăn chặn người dân vượt biên trái phép.

Mặt khác, do đặc thù nhiệm vụ phải trực chiến 24/24h, nên cán bộ, chiến sĩ tại chốt đều phải luân phiên tuần tra, kết hợp ngủ nghỉ, mỗi bữa ăn nhiều khi cũng không quá 2 người, thậm chí cả những sinh hoạt cá nhân thường nhật cũng phải luân phiên nhau. Khó khăn là vậy nhưng các chiến sĩ đều cố gắng, động viên nhau vượt qua để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Thiếu tá Nguyễn Đình An, cán bộ Phòng Tham mưu (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) được tăng cường cho chốt 7 chia sẻ: “Tuy điều kiện ăn ở, sinh hoạt tại chốt còn nhiều thiếu thốn, nhưng chúng tôi luôn xác định phải nỗ lực vượt qua, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Nhiệm vụ chính của chúng tôi lúc này là góp phần ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh trên tuyến biên giới, hàng ngày, luân phiên nhau ở chốt và đi tuần biên giới".

ADQuảng cáo

Người dân ra vào khu vực biên giới đều được kiểm soát chặt chẽ

Chiến sĩ dân quân Hoàng Chí Công, ở xã Thuận Hạnh, nhà chỉ cách hơn khoảng 15 km nhưng từ khi thực hiện nhiệm vụ ở chốt, có thời điểm 2 - 3 tháng liền không về thăm nhà. “Xác định trách nhiệm trong thời điểm phòng, chống dịch đang hết sức khó khăn, chúng tôi đành gác nỗi nhớ nhà sang một bên, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, không để lọt bất kỳ đối tượng nào nhập cảnh trái phép vào địa bàn. Anh em cũng xác định, đây là nhiệm vụ lâu dài nên ổn định tư tưởng, nêu cao quyết tâm bám chốt, bám đường biên”, anh Công tâm sự.

Không để dịch bệnh xâm nhập

Đồn biên phòng Đắk Song quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài khoảng 10 km tiếp giáp xã Đắk Đam, huyện Ô Răng, tỉnh Mondulkiri (Campuchia). Thực hiện nhiệm vụ tăng cường quản lý, bảo vệ biên giới, phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồn thành lập 2 chốt cố định và 2 chốt phụ. Lực lượng mỗi chốt, ngoài 5 cán bộ, chiến sĩ biên phòng còn được tăng cường thêm 2 cán bộ, chiến sĩ lực lượng quân sự và 2 dân quân xã Thuận Hạnh.

Hầu hết cán bộ, chiến sĩ ở chốt đều đã trên 3 - 4 tháng chưa về thăm gia đình, hàng ngày thay nhau tuần tra, kiểm soát, chốt chặn các đường mòn, lối mở, hạn chế không để xảy ra hiện tượng xâm nhập biên giới trái phép.

Tăng cường truyên truyền, vận động người dân sản xuất trên biên giới tham gia chống dịch

Trung tá Trần Văn Hân, Chính trị viên Đồn biên phòng Đắk Song cho biết: "Xác định công tác phòng, chống dịch Covid-19 là cuộc chiến không kém phần gian khổ, lâu dài, nên chỉ huy đồn đã quán triệt cán bộ, chiến sĩ không được chủ quan, lơ là trong thực hiện nhiệm vụ. Trong tình hình mới, với những khó khăn, phức tạp mới, chưa có tiền lệ, nhiệm vụ bảo vệ biên giới của lực lượng biên phòng cũng phải thay đổi, thích ứng cho phù hợp".
Trung tá Trần Văn Hân trao đổi, dù có thay đổi gì đi chăng nữa, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay của lực lượng biên phòng là phải luôn tăng cường tuần tra, ngăn chặn tình trạng xâm nhập biên giới trái phép, không để mầm bệnh lây lan vào nội địa, với tinh thần giữ chặt biên giới, "chia lửa" với hậu phương.
Cùng với công tác tuần tra, kiểm soát dọc tuyến biên giới, cán bộ, chiến sĩ còn tranh thủ tuyên truyền sâu rộng cách phòng, chống dịch Covid-19 cho người dân canh tác trong khu vực biên giới, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số có quan hệ thân tộc với người dân phía bên kia biên giới.
BÀI, ẢNH: LAM GIANG

Từ Tết Nguyên đán, nhất là từ cuối tháng 4 đến nay, hầu như anh em chúng tôi chưa ai về nhà. Những ngày này theo dõi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, mặc dù cũng lo nhưng chúng tôi rất vui khi thấy chính quyền, người dân cả tỉnh đang chung sức, đồng lòng ứng phó với dịch bệnh. Vì vậy, chúng tôi có thêm động lực để nâng cao cảnh giác, tăng cường tuần tra, quyết giữ vững biên cương để hậu phương vững lòng chống dịch.

Thượng úy Đoàn Quang Vinh, Chốt trưởng chốt 7

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ chặt biên giới, "chia lửa" với hậu phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO