Xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ rừng: Bắt đầu từ giao khoán rừng cho tổ, nhóm hộ

Lê Phước| 21/02/2018 14:15

Những năm gần đây, một số Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH), Khu Bảo tồn tiên nhiên (BTTN) trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh giao khoán quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) cho các hộ dân, nhất là đồng bào dân tộc tại chỗ, các hộ nghèo sinh sống ở gần rừng. Chính sách này không chỉ góp phần hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng mà còn góp phần cải thiện sinh kế cho các tổ chức, cá nhân tham gia giữ rừng.

ADQuảng cáo

Người Mạ ở xã Đắk Som (Đắk Glong) tham gia phát dọn, trồng rừng tại Khu BTTN Tà Đùng

Cách trung tâm xã Đắk Som hơn 20 km theo hướng về huyện Di Linh (Lâm Đồng), hơn 100 hộ dân người Mạ từ bao đời nay đã sống tập trung thành các cụm dân cư ở chân núi Tà Đùng (thuộc xã Đắk Lao cũ, nay là xã Đắk Som). Có cuộc sống và tập quán sinh hoạt gắn liền với rừng, người Mạ ở đây luôn xem rừng là nơi thiêng liêng, có thần canh giữ.

Theo những già làng người Mạ, việc chặt cây sẽ làm thần rừng nổi giận, trút thiên tai, bệnh tật lên bon làng. Vì vậy, họ dặn dò con cháu phải sống hòa thuận với rừng, bảo vệ rừng như bảo vệ chính cuộc sống của mình. Tiếp nối truyền thống của các thế hệ trước, con cháu người Mạ đã và đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng bảo vệ rừng.

Từ năm 2010, nhóm hộ gia đình ông K’Kê và ông H’Ong và 8 hộ dân khác đã thành lập tổ, nhận khoán bảo vệ mỗi hộ 30 ha rừng của Khu BTTN Tà Đùng với giá 400.000/ha/năm. Theo 2 ông, từ khi nhận khoán tới nay, tổ nhận khoán (gồm 10 hộ) luôn đều đặn tuần tra khu vực rừng quản lý ít nhất 1 lần/tuần. Ngoài việc tham gia phối hợp với lực lượng kiểm lâm trong các đợt cao điểm, tổ QLBVR của 2 ông còn nhận khoán trồng rừng của Khu BTTN Tà Đùng để có thêm thu nhập.

Theo ông Khương Thanh Long, Giám đốc Khu BTTN Tà Đùng, diện tích của đơn vị quản lý rộng (20.339 ha), lại nằm trên địa bàn giáp ranh giữa 2 tỉnh (Đắk Nông và Lâm Đồng) nên công tác quản lý bảo vệ rừng của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, tình hình dân di cư tự do tới địa bàn đã và đang gây áp lực lớn lên tài nguyên rừng. Nhiều năm nay, Khu BTTN Tà Đùng đã tích cực phối hợp với 3 xã vùng đệm là Đắk Som, Phi Liêng và Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông, Lâm Đồng) tăng cường công tác tuyên truyền và giao khoán QLBVR cho 201 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng.

ADQuảng cáo

Theo đánh giá của đơn vị, người dân nhận khoán không những nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng và không tham gia chặt phá, lấn chiếm đất rừng mà còn tích cực phối hợp với đơn vị phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại rừng. Trong năm 2017, Khu BTTN Tà Đùng đã phối hợp với chính quyền địa phương và người dân tổ chức gần 1.000 lượt tuần tra, kiểm tra và 19 đượt truy quét tại 23 tiểu khu của đơn vị quản lý với hơn 5.500 lượt người tham gia. Bên cạnh đó, người dân còn phối hợp với Khu BTTN Tà Đùng trồng mới được hơn 320 ha rừng theo kế hoạch trồng rừng của UBND tỉnh.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Tà Đùng tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết không xâm hại rừng trong lâm phần quản lý của đơn vị

Cũng giống như Khu BTTN Tà Đùng, nhiều năm nay, BQLRPH Nam Cát Tiên, ở xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) cũng đã tổ chức giao khoán cho các hộ đồng bào dân tộc tại chỗ sống gần rừng và các tổ chức, chính quyền tại xã Nhân Đạo, Đạo Nghĩa, Đắk Sin và Hưng Bình. Trong năm 2017, đơn vị đã giao khoán hơn 5.637,5 ha rừng tại lâm phần quản lý của đơn vị cho 295 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo sinh sống ổn định gần rừng.

Theo đánh giá của BQLRPH Nam Cát Tiên, các đơn vị, hộ gia đình đã tích cực, chủ động nắm bắt thông tin và kịp thời phối hợp với đơn vị tham gia ngăn chặn các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép. Việc giao khoán bảo vệ rừng không chỉ giúp tạo công ăn việc làm mà còn góp phần tạo thêm thu nhập cho các hộ dân nghèo, hộ đồng bào tại chỗ, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế - xã hội tại các xã thuộc lâm phần đơn vị quản lý.

Những năm qua, tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã  lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm lâm luật. Đầu năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Phương án giao khoán QLBVR cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư để thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn. Theo đó, 24.433,3 ha rừng tại 6 đơn vị: BQL rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp, BQLRPH Nam Cát Tiên, BQLRPH Thác Mơ, BQLRPH Vành đai biên giới, Khu BTTN Nâm Nung và Khu BTTN Tà Đùng sẽ được giao cho các tổ chức, cá nhân quản lý bảo vệ lâu dài.

Mục tiêu của phương án này là nhằm xã hội hóa công tác QLBVR, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư sống gần rừng. Ngoài việc tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống cho các tổ chức, cá nhân, phương án này còn có ý nghĩa bảo toàn và phát triển diện tích, chất lượng và lợi thế của các loại rừng, duy trì các giá trị đa dạng sinh học, góp phần bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động của tình hình biến đổi khí hậu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ rừng: Bắt đầu từ giao khoán rừng cho tổ, nhóm hộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO