Vận động người dân tham gia trồng rừng phòng hộ ở huyện Krông Nô: Kiên trì, hợp lý nhưng phải kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm

Đức Hùng| 10/04/2017 10:29

Việc trồng rừng phòng hộ tại tiểu khu 1260, xã Buôn Choáh (Krông Nô) những năm qua gặp khó khăn, vướng mắc. Rút kinh nghiệm, để chuẩn bị cho “mùa” trồng rừng năm nay, huyện Krông Nô đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để cùng với Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất - Khoáng sản Phú Gia Phát (Công ty Phú Gia Phát) vận động người dân trồng rừng trên diện tích đã quy hoạch.

ADQuảng cáo

Rừng phòng hộ sẽ tạo cảnh quan đẹp và bảo vệ hang động núi lửa Krông Nô

Trên tổng diện tích đất hơn 1.700 ha tỉnh Đắk Nông giao cho Công ty Phú Gia Phát để trồng rừng phòng hộ, huyện Krông Nô đã tiến hành quy trình kiểm đếm, hỗ trợ, lập các phương án giải tỏa trên diện tích 360 ha. Năm 2016, Công ty Phú Gia Phát trồng khoảng gần 80 ha.

Tuy nhiên, quá trình trồng xảy ra tranh chấp, một số đối tượng xịt thuốc, nhổ, phá bỏ còn khoảng 26 ha. Số liệu báo cáo của xã Buôn Choáh, Đắk Drô hiện có 230 hộ có đất lấn chiếm trong khu vực dự án, hiện trạng đất có cây lâu năm, cây ngắn ngày, đất trống, cây bụi, nhà tạm, lán trại. Để giải quyết vấn đề trồng rừng tại tiểu khu 1260, huyện Krông Nô đã xây dựng phương án tiếp cận tuyên truyền, vận động người dân nhận giao khoán trồng rừng, chăm sóc rừng được chi trả công theo hợp đồng.

Về phía Công ty Phú Gia Phát, đơn vị sẽ tuyển dụng 200 lao động địa phương tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng. Người dân có nhu cầu trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ rừng sẽ được Công ty giao khoán, đơn giá từ 39 triệu đến 46 triệu đồng/ha. Ngoài hợp đồng trồng rừng, người dân được trồng xen cây hoa màu. Công ty sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm cây hoa màu trồng xen. Công ty tiếp tục hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với các hộ dân sau khi rừng khép tán.

ADQuảng cáo

Tại buổi đối thoại, các ban ngành, đoàn thể địa phương đã trao đổi nhiều ý kiến sau thời gian nghe ngóng tâm tư, nguyện vọng người dân trong vùng dự án trồng rừng. Phần lớn người dân trong vùng dự án đều đồng tình với chủ trương trồng rừng. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến trái chiều và một số hộ “không nghe, không hợp tác khi tuyên truyền, vận động”.  Đại diện Công ty, ngành chức năng địa phương đã giải đáp một số thắc mắc ngay tại buổi đối thoại.

Ông Phạm Ngọc Kiều, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đắk Drô cho biết: “Qua quá trình tuyên truyền và vận động người dân bà con đồng ý trồng rừng nhưng biện pháp, cách làm cụ thể thì người dân chưa đồng ý”. Về phương án tuyên truyền vận động với những hộ gia đình “chưa hợp tác” ông Kiều đề xuất, các ban ngành, đoàn thể, công ty nên bám từng ngõ, gõ từng cửa để tuyên truyền vận động các hộ tham gia trồng rừng.

Khó khăn nhất hiện nay của địa phương là người dân buôn Ol không hợp tác, không kê khai diện tích, xã Đắk Drô hiện không xác định được diện tích xâm canh bao nhiêu, mà chỉ áng số hộ. Khó khăn nữa là việc xử lý người dân phá bỏ cây có hành vi cản trở, đe dọa việc trồng rừng. Huyện Krông Nô kiến nghị tỉnh chỉ đạo thêm công an vào cuộc xử lý nghiêm các trường hợp, đối tượng phá hoại, kết hợp với việc vận động nhân dân tham gia trồng rừng thì việc trồng rừng mới thực hiện được.

Để xử lý khó khăn về trồng rừng tại địa phương, theo ông Ngô Xuân Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, thì cần cả hệ thống chính trị tại chỗ phải vào cuộc thực sự, kiên trì gặp dân vận động tuyên truyền. Đặc biệt, các đối tượng không hợp tác, huyện kiến nghị tỉnh chỉ đạo công an vào cuộc để xử lý theo quy định của pháp luật.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vận động người dân tham gia trồng rừng phòng hộ ở huyện Krông Nô: Kiên trì, hợp lý nhưng phải kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO