Tuy Đức gặp khó khi triển khai trồng rừng trên đất lâm nghiệp bị xâm lấn

Đức Hùng| 25/07/2016 10:47

Thực hiện kế hoạch trồng rừng thay thế năm 2016, huyện Tuy Đức được giao trồng gần 850 ha. Trong đó, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên ở xã Quảng Trực được giao trồng hơn 290 ha rừng.

ADQuảng cáo

Đến thời điểm hiện nay, Công ty mới triển khai trồng được 15 ha. Binh đoàn 726 được giao trồng hơn 500 ha, đến nay trồng được 63 ha chủ yếu là cây thông, bời lời.

Giống keo lai đang được tập kết chờ ngày trồng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên

Ông Nguyễn Duy Tân, Hạt trưởng Hạt kiểm Lâm huyện Tuy Đức cho biết: “Diện tích đất trồng rừng thay thế hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn vì những người xâm lấn đất lâm nghiệp không hợp tác, ngăn cản việc thi công trồng rừng”.

Sau khi được giao diện tích trồng rừng, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đã có thông báo gửi chính quyền địa phương, các thôn, bon và người dân không canh tác trên diện tích được quy hoạch trồng rừng. Đơn vị cũng tiến hành cắm biển thông báo diện tích đất quy hoạch, tổ chức họp dân để triển khai trồng rừng. Sau đó, Công ty đã ký hợp đồng với đơn vị thi công để phát dọn thực bì, mua giống, chuẩn bị đất trồng cây. Công ty đã mời người dân lên tham gia ký kết, giao khoán trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp bị xâm canh nhưng không được người dân phối hợp.

ADQuảng cáo

Không những không hợp tác, một số đối tượng còn tụ tập, cản trở việc trồng rừng của đơn vị. Cụ thể, vụ việc cản trở trồng rừng xảy ra vào ngày 4/7/2016, tại tiểu khu 1467, bon Bu Sóp, xã Quảng Trực, một số đối tượng cầm đầu, lôi kéo, kích động người dân địa phương ngăn chặn việc triển khai trồng rừng thay thế do Công ty Cổ phần Xây dựng, Dịch vụ, Thương mại Đức Thanh thực hiện. Một số đối tượng có hành vi đe dọa và phá hoại rừng trồng.

Nhóm đối tượng này còn khống chế Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên trên đường về Công ty.  Đây  là lần thứ 3 trong quá trình triển khai thực hiện, việc trồng rừng thay thế của Công ty bị ngăn cản. Hiện nay, các hoạt động trồng rừng đều phải dừng lại sau vụ việc xảy ra.

Ông Phạm Hòa Dũng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên cho biết: “Hiện nay, cây giống đã chuẩn bị sẵn, 100 công nhân cũng đang chờ để thực hiện việc trồng rừng nhưng do đất bị lấn chiếm nên chưa thể thực hiện trồng rừng. Công ty rất cần sự hỗ trợ của các đơn vị chức năng triển khai trồng rừng cho kịp thời vụ. Tôi rất lo lắng vì nếu kéo dài sẽ qua thời vụ, người dân trồng các loại cây lên diện tích đất lâm nghiệp đã được quy hoạch sẽ rất khó cho việc trồng rừng”.

Tương tự, tại Trung đoàn 726 sau khi được giao đất, đơn vị đã tiến hành khảo sát nhưng phần lớn diện tích đất được giao hiện người dân đang xâm canh  trồng cà phê, hồ tiêu, khoai lang, mì. Để triển khai việc trồng rừng, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền tại các thôn, bon, phổ biến mô hình nông lâm kết hợp nhưng không được người dân đồng tình, không đồng ý tham gia.

Ông Nguyễn Hữu Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết: “Hiện nay, công tác trồng rừng đang gặp khó do đất quy hoạch phần lớn thuộc đất phá rừng và người dân đang canh tác. Người dân chưa phối hợp cùng các đơn vị thực hiện trồng rừng. Chính vì thế, huyện sẽ huy động các ban, ngành, đoàn thể tham gia vào hoạt động tuyên truyền, huy động, vận động người dân tham gia trồng rừng, phấn đấu sớm hoàn thành kế hoạch trồng rừng tỉnh giao”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuy Đức gặp khó khi triển khai trồng rừng trên đất lâm nghiệp bị xâm lấn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO