Tranh chấp đất khiến trồng rừng thay thế gặp khó

Đức Hùng| 21/08/2017 10:46

Vướng mắc trong tranh chấp đất rừng đã khiến hàng loạt dự án trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh không thể triển khai theo đúng kế hoạch. Tính đến nay, các dự án trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh mới trồng được 394 ha/1.443 ha diện tích, đạt 27% kế hoạch được giao.

ADQuảng cáo

Hiện trường nhà xưởng của công nhân trồng rừng Công ty TMDV SXKS Phú Gia Phát bị phá liên quan đến tranh chấp đất

Năm 2017, UBND tỉnh Đắk Nông đã xây dựng kế hoạch trồng hơn 1.443 ha rừng thay thế để giao cho 21 đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện việc trồng rừng. Thời điểm này, đang bước vào cao điểm mùa trồng rừng nhưng nhiều đơn vị trồng rừng lại phải tổ chức vận động người dân thay vì thực hiện việc trồng rừng. Có đơn vị còn phải dừng dự án trồng rừng để giải quyết vấn đề tranh chấp đất với người dân.

Công ty TNHH TMDV Sản xuất Khoáng sản (SXKS) Phú Gia Phát năm nay được UBND tỉnh giao kế hoạch trồng hơn 375 ha rừng thay thế tại tiểu khu 1260, xã Buôn Choáh (Krông Nô). Điều đáng nói, trên diện tích đất nằm trong kế hoạch trồng rừng, phần lớn đã bị người dân xâm lấn, canh tác. Để triển khai thực hiện, Công ty đã chuẩn bị lực lượng, cùng với chính quyền địa phương tiến hành tuyên truyền vận động người dân đang canh tác đăng ký phối hợp trồng rừng, huy động nhân công phát dọn thực bì, tập kết cây giống…

Đến nay, sau 3 đợt tổ chức trồng rừng Công ty cũng mới thực hiện được 21,67 ha. Tuy nhiên, sau khi trồng, nhiều diện tích rừng bị người dân nhổ, phun thuốc cỏ gây chết, thiệt hại ước khoảng 11,3 ha, diện tích rừng còn lại là 10,37 ha. Chưa kể đến, việc tranh chấp đất tại tiểu khu 1260 đã không ít lần dẫn đến xô xát giữa người dân và nhân công trồng rừng. Trước tình trạng này, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu công ty tạm dừng triển khai trồng rừng để xử lý dứt điểm những vướng mắc về tranh chấp đất đai.

ADQuảng cáo

Năm 2017, Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa (Gia Nghĩa) được UBND tỉnh giao trồng hơn 110 ha rừng thay thế trên địa bàn xã Đắk Ha (Đắk Glong). Qua rà soát, kiểm kê thì hầu hết diện tích trong dự án trồng rừng phòng hộ đã bị người dân xâm canh, lấn chiếm trồng cây ngắn ngày, cây lâu năm. Sau khi nhận giao trồng rừng, Ban Quản lý đã thành lập 3 chốt, phối hợp với địa phương để nắm bắt thông tin về hiện trạng đất, số hộ canh tác, lấn chiếm. Sau nhiều lần tiếp cận để tuyên truyền, vận động người dân tham gia trồng rừng nhưng không nhận được sự đồng thuận của người dân nên đơn vị không thể triển khai trồng rừng trên diện tích được giao.

Ông Vũ Văn Trọng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa cho biết: "Nếu không nhận được sự đồng thuận của người dân thì có trồng rừng cũng sẽ bị phá. Để triển khai trồng rừng năm 2017, đơn vị đã đề xuất với UBND tỉnh phương án thay đổi vị trí và được tỉnh chấp nhận. Hiện đơn vị đã và đang tổ chức vận động người dân thôn 5, 6 xã Đắk R’măng đang canh tác trong diện tích đất rừng bị lấn chiếm thuộc địa bàn xã Đắk Ha tham gia trồng rừng. Đến nay đơn vị đã phối hợp với người dân trồng được 20 ha, dự kiến từ nay đến cuối năm, đơn vị sẽ trồng được tổng cộng khoảng 40 ha".

Như vậy, dù nỗ lực thì Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa cũng không thể hoàn thành được 50% diện tích trồng rừng theo kế hoạch.

Nhiều đơn vị khác cùng rơi vào tình trạng khó triển khai trồng rừng do tranh chấp đất, như Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung được giao kế hoạch trồng 205,6 ha: Từ đầu năm, Khu Bảo tồn đã phối hợp với các cơ quan của huyện Krông Nô, UBND các xã Quảng Phú, Đắk Nang, Nâm Nung tổ chức họp dân, tuyên truyền, vận động người dân có đất lấn chiếm trả lại đất và tham gia trồng rừng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Khu Bảo tồn mới tổ chức trồng được 8 ha. Dự kiến của đơn vị đến cuối vụ trồng rừng cũng chỉ trồng được khoảng  20/205,6 ha.

Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh yêu cầu các huyện sớm phối hợp giải quyết vấn đề tranh chấp đất, lấn chiếm đất để các đơn vị được giao kế hoạch có quỹ đất tổ chức triển khai trồng rừng. Giao Công an huyện Đắk Glong bàn giao hiện trường vụ án 46 ha đất rừng tại tiểu khu 1685 cho Ban Quản lý rừng Phòng hộ Gia Nghĩa tổ chức trồng rừng thay thế theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tranh chấp đất khiến trồng rừng thay thế gặp khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO