Tiến độ trồng rừng thay thế còn chậm

Đức Hùng| 06/09/2016 10:10

Thời điểm hiện tại đang là giai đoạn cuối “mùa” trồng rừng nhưng đến nay, các đơn vị trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh mới trồng được gần 1.477 ha, đạt 55% kế hoạch giao.

ADQuảng cáo

Diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm là nguyên nhân chính làm chậm tiến độ trồng rừng thay thế

Thực hiện kế hoạch trồng rừng năm nay, Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ, Sản xuất khoáng sản Phú Gia Phát được giao trồng 400 ha diện tích rừng phòng hộ tại tiểu khu 1260 thuộc xã Buôn Choáh (Krông Nô). Do diện tích đất trồng rừng xảy ra tranh chấp và các hoạt động tuyên truyền vận động chưa mang lại kết quả nên đến nay, Công ty chỉ mới trồng được hơn 60 ha. Việc thi công trồng rừng không thể triển khai do người dân tranh chấp đất rừng với công ty.

Ông Nguyễn Đức Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty lo lắng: “Đã bước vào cuối mùa trồng rừng, đơn vị đang rất lo lắng về tiến độ, đã huy động 100 nhân công túc trực để tham gia trồng rừng nhưng đất xảy ra tranh chấp đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai”.

Còn tại Trung đoàn 726 (Tuy Đức), đơn vị này được giao trồng 500 ha diện tích trồng rừng thay thế, nhưng đến nay cũng mới trồng được hơn 100 ha. Số diện tích còn lại đơn vị cũng đang rơi vào tình trạng khó khăn trong việc vận động nhân dân phối hợp trồng rừng.

Ông Hoàng Ngọc Bích, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 726, Binh đoàn 16 cho biết: “Những khó khăn của đơn vị hiện nay là do đất trồng rừng bị người dân lấn chiếm, canh tác lâu năm cần sự vào cuộc tham gia của ngành chức năng địa phương. Thời gian qua, những hoạt động tuyên truyền của chính quyền địa phương chưa đạt kết quả cao”.

ADQuảng cáo

Trước những khó khăn của một số đơn vị trồng rừng thay thế được giao với diện tích đất lớn đang gặp phải, Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp - PTNT) đã thành lập các đoàn kiểm tra xuống tại đơn vị để tìm hiểu nguyên nhân, tìm các phương án giải quyết.

Ông Nguyễn Quân Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm tiến độ so với kế hoạch là do đất của các đơn vị được giao phần lớn diện tích bị người dân lấn chiếm và đang canh tác các loại cây trồng ngắn ngày và lâu năm. Các đơn vị trồng rừng, các ngành chức năng, chính quyền địa phương đã mất rất nhiều thời gian để tiến hành họp dân tuyên truyền, vận động nhiều lần. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng thay thế trong thời gian qua”.

Được biết, Chi cục Kiểm lâm cũng đưa ra các phương án để thực hiện việc trồng rừng thay thế đối với diện tích đất người dân canh tác cây lâu năm có địa hình dốc cao vận động tập trung trồng rừng. Với diện tích địa hình bằng phẳng, các cơ quan chuyên môn vận động trồng theo mô hình nông lâm kết hợp.

Thời gian qua, ngoài các văn bản đốc thúc, ngành đã thành lập các đoàn kiểm tra các đơn vị có diện tích trồng rừng lớn để tìm hiểu nguyên nhân nhằm có phương án giải quyết linh hoạt, kịp thời; đồng thời, giao bổ sung cho các đơn vị khác đủ năng lực trồng rừng, trồng thêm diện tích rừng.

Ông Trường cho biết thêm: “Chi cục đang đốc thúc các đơn vị trồng rừng, giải quyết nhanh những vướng mắc đang gặp phải, bổ sung thêm các đơn vị có đủ nhân lực, có diện tích “đất sạch” để có thể hoàn thành được kế hoạch trồng rừng thay thế mà tỉnh đã đề ra. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là xử lý diện tích đất được quy hoạch lâm nghiệp nhưng người dân đang canh tác các loại cây công nghiệp lâu năm”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiến độ trồng rừng thay thế còn chậm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO