Rừng bị xâm hại tăng đột biến

Hà An| 13/07/2015 13:55

Sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 6/5/2013 về ngăn chặn phá rừng, phát triển rừng bền vững giai đoạn 2013-2015 và những năm tiếp theo, công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) đã có những chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2015, vi phạm lâm luật lại tăng đột biến. Điều này đang đặt ra câu hỏi là liệu công tác QLBVR đã thực sự mang tính bền vững như mục tiêu đặt ra?

ADQuảng cáo

TĂNG CẢ HAI MẶT

Theo Chi cục Kiểm lâm, 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã phát hiện và lập biên bản xử lý 507 vụ vi phạm lâm luật, tăng 46 vụ so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, phá rừng 203 vụ; lấn chiếm đất rừng 9 vụ; khai thác rừng trái phép 49 vụ; mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép 159 vụ; vi phạm quản lý Nhà nước về chế biến gỗ 3 vụ; vi phạm quy trình thủ tục kiểm lâm sản 50 vụ và 41 vụ vi phạm khác.

Không chỉ tăng về số vụ vi phạm mà diện tích rừng bị thiệt hại trong 6 tháng đầu năm nay cũng tăng đột biến. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, lực lượng kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng phối hợp kiểm tra và đã phát hiện và lập biên bản xử lý 203 vụ phá rừng trái phép, làm thiệt hại hơn 234 ha. So với cùng kỳ năm trước, diện tích rừng bị thiệt hại, tăng 162%.

Các địa phương có diện tích rừng bị phá nhiều nhất gồm: Đắk Glong xảy ra 35 vụ với hơn 63 ha rừng thiệt hại; thị xã Gia Nghĩa xảy ra 67 vụ với hơn 129 ha rừng thiệt hại; Đắk Song 66 vụ với gần 19 ha; Krông Nô 11 vụ với hơn 13 ha và Tuy Đức 23 vụ với hơn 9 ha. Đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý hành chính 87 vụ với hơn 25 ha và chuyển điều tra hình sự 47 vụ, hơn 93 ha, còn 69 vụ với 115 ha vẫn chưa xử lý. 

Điều đáng nói, một số địa phương trước đây được xem là “điển hình” trong công tác QLBVR thì từ đầu năm đến nay, cả số vụ vi phạm lẫn diện tích rừng bị thiệt hại lại tăng mạnh. Điển hình như thị xã Gia Nghĩa, trong năm 2013, 2014, chỉ xảy ra trên dưới 10 vụ phá rừng với diện tích rừng thiệt hại không đáng kể thì trong 6 tháng đầu năm nay, đây lại là địa phương nằm trong “tốp” đầu về số vụ phá rừng với diện tích rừng thiệt hại rất lớn. 

Chỉ đơn cử, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Gia Nghĩa được UBND tỉnh giao quản lý, bảo vệ hơn 5.000 ha rừng tại xã Quảng Thành (Gia Nghĩa) để duy trì rừng phòng hộ đầu nguồn. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, phần lớn diện tích rừng của Công ty đã bị tàn phá, còn lại chưa đầy 1.400 ha. Cùng với việc để mất rừng, Công ty còn có nhiều sai phạm trong việc giao khoán hơn 100 ha đất rừng theo Nghị định 135 và để cho người dân chiếm dụng nhiều diện tích đất lâm nghiệp.

ADQuảng cáo

Nhiều ý kiến còn cho rằng, các vụ vi phạm lâm luật và diện tích rừng thiệt hại nêu trên chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”. Bởi thực tế cho thấy có những vụ phá rừng xảy ra nhưng đơn vị chủ rừng không báo cáo vì “sợ lộ”, trong khi cơ quan chức năng lại chưa nắm bắt được.

CÓ SỰ BUÔNG LỎNG QUẢN LÝ?

Không chỉ diện tích rừng bị phá tăng cao, một số hành vi vi phạm lâm luật cũng đang có chiều hướng gia tăng phức tạp. Điển hình như các hành vi vận chuyển lâm sản trái phép, nhất là vận chuyển, khai thác lâm sản trái phép  trong 6 tháng đầu năm cũng có sự gia tăng đột biến.

Nguyên nhân của thực trạng trên, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trước hết là do các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực QLBVR chưa nghiêm, hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, một số chủ rừng đã buông lỏng quản lý dẫn đến diện tích rừng bị phá tăng đột biến mà không có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Nhiều công ty lâm nghiệp biện minh rằng do trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại mô hình quản lý, nhiều công ty lâm nghiệp trước đây đã gặp khó khăn về kinh phí bố trí cho công tác QLBVR thì nay lại khó khăn hơn. Vì vậy, nguồn lực dành cho nhiệm vụ này tại một số đơn vị hầu như không có nên hiệu quả quản lý, bảo vệ còn thấp. Mặt khác, trong quá trình chuyển đổi mô hình, có tâm lý buông lỏng, lơ là, thậm chí, có một số biểu hiện lợi dụng “tranh tối, tranh sáng” để trục lợi.

Bên cạnh đó, theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, nguyên nhân dẫn đến các vụ vi phạm lâm luật tăng cao một phần là do chính quyền địa phương cấp huyện, xã chưa thực hiện hết trách nhiệm. Ngoài ra, tình trạng phá rừng làm nương rẫy vẫn chưa có giải pháp quản lý hiệu quả.

Thời gian gần đây, khi giá tiêu tăng cao, tình trạng mở rộng diện tích trồng cây tiêu đã kéo theo việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng, lấy cây rừng làm trụ tiêu đang trở thành áp lực cho các địa phương và đơn vị chủ rừng. Điều đáng nói, trong khi diện tích rừng bị phá vẫn chưa được khống chế thì hiệu quả từ trồng mới rừng, khắc phục hậu quả do phá rừng hàng năm vẫn đạt thấp, dẫn đến tỷ lệ che phủ của rừng đang giảm đi.

Rõ ràng, những nguyên nhân nêu trên không có gì mới và luôn là vấn đề được nhắc đến nhiều trong công tác QLBVR. Rất nhiều người đang mong mỏi các giải pháp, biện pháp về QLBVR trên địa bàn sẽ được thực hiện quyết liệt, có hiệu quả để từng bước đưa công tác này đi vào nền nếp theo hướng bền vững.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rừng bị xâm hại tăng đột biến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO