Rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng: Đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng độ che phủ rừng

Nguyễn Hiền| 09/03/2017 10:28

Tại phiên họp thường kỳ tháng 2 của Thường trực HĐND tỉnh Đắk Nông mới đây, UBND tỉnh đã có Tờ trình số 308 về báo cáo kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Đắk Nông. Qua rà soát, điều chỉnh đã xác định lại quy mô đất lâm nghiệp, đất ngoài lâm nghiệp, cơ cấu diện tích 3 loại rừng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

ADQuảng cáo

Ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác đến hiện trường kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng và hiện trạng tự nhiên do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đức Hòa (Đắk Song) quản lý bị tàn phá. Ảnh tư liệu

Chênh lệch về cả quy mô lẫn cơ cấu

Năm 2013, UBND tỉnh đã lập quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do số liệu hiện trạng đất đai, tài nguyên rừng tại thời điểm rà soát có nhiều sai sót, khác nhau giữa hồ sơ quản lý so với thực tế. Vì vậy, quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, qua rà soát lần này cho thấy, tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là trên 296.439 ha, giảm trên 26.540 ha so với quy hoạch cũ.

Trong đó, diện tích đất có rừng giảm trên 2.999 ha, chủ yếu là rừng trồng cao su. Diện tích đất chưa có rừng giảm trên 23.542 ha, chủ yếu là đất người dân đã canh tác nông nghiệp ổn định như trồng các loại cây hồ tiêu, cà phê... Việc giảm diện tích đất lâm nghiệp là sự dung hòa giữa diện tích đất từ lâm nghiệp chuyển sang mục đích khác và diện tích đất ngoài lâm nghiệp chuyển vào trong lâm nghiệp.

Tuy nhiên, diện tích chuyển ra lại lớn hơn diện tích chuyển vào. Cụ thể, diện tích đất lâm nghiệp chuyển sang mục đích khác là trên 34.600 ha. Hiện trạng chủ yếu của loại đất này là chưa có rừng, đất nông nghiệp canh tác đã ổn định và tập trung trong vùng sản xuất nông nghiệp. Đây là diện tích chủ yếu do địa phương quản lý và một phần diện tích do các công ty lâm nghiệp giao trả về địa phương sau khi sắp xếp, đổi mới.

Trong khi đó, diện tích đất ngoài lâm nghiệp chuyển vào trong lâm nghiệp chỉ có trên 8.140 ha. Hiện trạng chủ yếu của loại đất này là có rừng và đất không có rừng nằm rải rác, đan xen trong vùng quy hoạch cho đất lâm nghiệp thuộc lâm phần quản lý của các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và các đơn vị chủ rừng khác có cấp độ phòng hộ từ xung yếu đến rất xung yếu.

Về cơ cấu quy hoạch 3 loại đất cũng có sự chênh lệch rõ nét. Qua rà soát, diện tích đất phòng hộ sau điều chỉnh trên 62.141 ha, tăng trên 12.000 ha so với diện tích quy hoạch ban đầu. Diện tích đất đặc dụng sau điều chỉnh trên 41.000 ha, tăng trên 2.800 ha so với diện tích quy hoạch ban đầu. Diện tích đất sản xuất sau điều chỉnh trên 193.200 ha, giảm 41.482 ha so với diện tích quy hoạch ban đầu.

Triển khai nhiều giải pháp đồng bộ

ADQuảng cáo

Từ thực tế trên, tỉnh đã có sự điều chỉnh đối với từng loại rừng, xem xét chuyển từ đất lâm nghiệp ra ngoài lâm nghiệp trên 34.690 ha. Đối với diện tích này, sau khi phê duyệt và công bố quy hoạch, các địa phương phải khẩn trương lập thủ tục chuyển mục đích sang đất nông nghiệp để các đơn vị, hộ gia đình, cá nhân đang canh tác yên tâm sản xuất.

Diện tích đất ngoài lâm nghiệp được chuyển vào trong lâm nghiệp trên 8.100 ha, gồm các diện tích đất như: rừng tự nhiên hoặc rừng trồng có diện tích tập trung lớn hơn 0,5 ha, diện tích đất của chủ rừng nhóm II, diện tích các huyện đang quản lý chưa giao cho các hộ dân, có cấp phòng hộ từ xung yếu đến rất xung yếu.

Tỉnh cũng đã thực hiện chuyển đổi diện tích giữa 3 loại rừng cho phù hợp. Cụ thể như chuyển đổi trên 5.000 ha đất rừng phòng hộ sang quy hoạch đất rừng sản xuất; chuyển trên 233 ha đất rừng đặc dụng sang quy hoạch đất rừng sản xuất; chuyển trên 19.000 ha đất rừng sản xuất sang quy hoạch phòng hộ; chuyển trên 2.700 ha đất rừng sản xuất sang quy hoạch đất rừng đặc dụng.

Cùng với đó, cơ quan chủ quản tiến hành các giải pháp quy hoạch sử dụng đất như phân định ranh giới và cắm mốc; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lâm nghiệp chi tiết cho từng loại rừng, từng đối tượng theo quy định.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp, việc giao rừng, cho thuê rừng sẽ gắn với việc giao quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình. Theo đó, việc giao rừng sẽ gắn liền với đất nông nghiệp, mỗi gia đình, cá nhân sẽ được giao những khu rừng ở ngay cạnh đất canh tác đất nông nghiệp của mình. Nếu diện tích rừng được giao bảo vệ tốt trong thời gian nhất định mới được làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Việc quản lý, sử dụng tài nguyên rừng cũng sẽ được chú trọng thực hiện. Đơn vị chủ quản có trách nhiệm kiện toàn và củng cố các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng trên từng đơn vị hành chính. Tỉnh tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách đối với việc khai thác, quản lý, bảo vệ và trồng rừng phòng hộ, sản xuất, đặc dụng theo hướng nông - lâm kết hợp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và các tổ chức thực hiện.

Đối với từng loại rừng, ngành nông nghiệp thực hiện các giải pháp cụ thể về quản lý và bảo vệ rừng, tiến hành khoanh nuôi, phục hồi và thực hiện công tác trồng rừng, phát triển diện tích rừng. Riêng đối với diện tích rừng sản xuất, cơ quan chức năng tiến hành bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên hiện có và diện tích chưa đến tuổi thành thục công nghệ. Những diện tích rừng tự nhiên còn lại sẽ thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng.

Phải dựa trên nguyên tắc “4 rõ”

Phát biểu tại phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh, đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, việc rà soát, quy hoạch và điều chỉnh là cần thiết. Tuy nhiên, việc làm này phải dựa trên nguyên tắc “4 rõ” là rõ vị trí, rõ địa chỉ, rõ hiện trạng, rõ ranh giới. Sau khi rà soát, các đơn vị liên quan cần đánh giá, thống kê cụ thể từng loại đất, rừng, chủ thể quản lý và sử dụng đất, hiện trạng sử dụng đất, nhất là đối với những diện tích đất do người dân đang sử dụng. Những tổ chức, cá nhân vi phạm trong quá trình thực hiện quy hoạch, rà soát cần được xử lý nghiêm. Cùng với đó, ngành chức năng cũng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm thực hiện thành công mục tiêu nâng độ che phủ rừng lên 42% vào năm 2020, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng: Đáp ứng yêu cầu phát triển, nâng độ che phủ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO