Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng: Đáp ứng nhiều yêu cầu cấp thiết về quản lý, phát triển rừng bền vững

Trần Lê| 27/10/2017 09:58

UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Quyết định số 1474/ QĐ-UBND, ngày 8/9/2017 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng. Việc ban hành quyết định đã đáp ứng yêu cầu bức thiết nhằm giải quyết những vướng mắc, sai lệch về số liệu, gây khó trong quản lý quy hoạch phục vụ quá trình phát triển kinh tế -xã hội ở các địa phương.

ADQuảng cáo

Diện tích đất quy hoạch rừng sản xuất giảm trên 41.400 ha sau khi điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng

Quy mô đất lâm nghiệp giảm trên 26.500 ha

Theo số liệu về hiện trạng rừng trước khi rà soát, điều chỉnh được thể hiện tại Quyết định số 67/ QĐ- UBND, ngày 14/1/2015 của UBND tỉnh thì tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp toàn tỉnh là 322.981,4 ha. Trong đó diện tích rừng đặc dụng 38.185,4 ha, rừng phòng hộ 50.034,1 ha, rừng sản xuất 234.761,9 ha. Tuy nhiên, số liệu hiện trạng đất đai, tài nguyên rừng trên có nhiều sai sót, khác nhau, chồng lấn giữa hồ sơ quản lý và thực tế đã ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là đối với vấn đề quản lý, sử dụng đất, quản lý dân cư…  

Tuy nhiên, diện tích chuyển ra lại lớn hơn diện tích chuyển vào. Cụ thể, diện tích đất lâm nghiệp chuyển sang mục đích khác là trên 34.600 ha. Hiện trạng chủ yếu của loại đất này là chưa có rừng, đất nông nghiệp canh tác đã ổn định và tập trung trong vùng sản xuất nông nghiệp.

Đây là diện tích chủ yếu do địa phương quản lý và một phần diện tích do các công ty lâm nghiệp giao trả về địa phương sau khi sắp xếp, đổi mới. Trong khi đó, diện tích đất ngoài lâm nghiệp chuyển vào trong lâm nghiệp chỉ có trên 8.140 ha. Hiện trạng chủ yếu của loại đất này là có rừng và đất không có rừng nằm rải rác, đan xen trong vùng quy hoạch cho đất lâm nghiệp thuộc lâm phần quản lý của các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng và các đơn vị chủ rừng khác.

ADQuảng cáo

Qua rà soát lần này cho thấy, tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp toàn tỉnh là 296.439,48 ha, giảm trên 26.541,92 ha so với quy hoạch cũ. Trong đó, diện tích quy hoạch rừng đặc dụng là 41.018,45 ha, chiếm 13,84%; rừng phòng hộ 62.141,20 ha, chiếm 20,96% và diện tích quy hoạch rừng sản xuất 193.279,83 ha, chiếm 65,20%. Cụ thể, diện tích đất có rừng giảm 2.999,17 ha, đất chưa có rừng giảm 23.542,75 ha. Việc giảm diện tích đất lâm nghiệp là sự dung hòa giữa diện tích đất từ lâm nghiệp chuyển sang mục đích khác và diện tích đất ngoài lâm nghiệp chuyển vào cho lâm nghiệp.

Biến động về diện tích phân theo chức năng

Về chức năng 3 loại rừng sau khi rà soát điều chỉnh cũng có biến động tăng giảm khác nhau khá lớn. Cụ thể, diện tích đất đặc dụng tăng từ 38.185 ha theo diện tích quy hoạch ban đầu lên hơn 41.018 ha (tăng 2.833 ha); diện tích đất phòng hộ tăng từ 50.141 ha theo quy hoạch ban đầu lên 62.141 ha (tăng 12.000 ha). Trong khi đó, diện tích đất quy hoạch rừng sản xuất sau điều chỉnh đã giảm từ 234.761 ha theo quy hoạch ban đầu xuống còn hơn 193.279 ha (giảm hơn 41.482 ha).

Sự thay đổi này là nhằm đáp ứng những nhu cầu về phát triển rừng bền vững, chú trọng bảo vệ, bảo tồn những khu vực rừng đặc dụng, phòng hộ nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ lưu vực nước đầu nguồn cho cả khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, hiện nay đơn vị đã công bố quy hoạch điều chỉnh 3 loại rừng.

Với vai trò của mình, Sở đang đẩy mạnh kiện toàn và củng cố các ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng trên từng đơn vị hành chính, tham mưu cho tỉnh tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách đối với việc khai thác, quản lý, bảo vệ và trồng rừng phòng hộ, sản xuất, đặc dụng theo hướng nông - lâm kết hợp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và các tổ chức thực hiện. Đối với từng loại rừng, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương thực hiện các giải pháp cụ thể về quản lý và bảo vệ rừng, tiến hành khoanh nuôi, phục hồi và thực hiện công tác trồng rừng, nghiêm túc thực hiện chủ trương của Chính phủ về đóng cửa rừng.

Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết: “Với việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng thì từ quy mô đến chức năng các loại rừng đã được xác định rõ đến từng huyện, xã, tiểu khu. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc cho tỉnh, ngành Nông nghiệp, các địa phương trong việc lập lại trật tự trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm trong quá trình thực hiện quy hoạch”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng: Đáp ứng nhiều yêu cầu cấp thiết về quản lý, phát triển rừng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO