Phát triển ngành Lâm nghiệp Ðắk Nông: Cần sự đột phá và quyết liệt

30/06/2017 10:20

Tỉnh Đắk Nông nằm ở phía Nam Tây Nguyên, giáp với nước bạn Campuchia và là nơi đầu nguồn sông Đồng Nai và sông Sêrêpốk. Với vị trí địa lý trọng yếu, vì vậy rừng ở Đắk Nông có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng hộ cho khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, bảo đảm an ninh môi trường và an ninh quốc phòng quốc gia.

ADQuảng cáo

Suy giảm trầm trọng các giá trị rừng

Mặc dù ngành Lâm nghiệp (LN) của tỉnh có vai trò vô cùng quan trọng, nhưng thực tế các giá trị của nó đang bị suy giảm nghiêm trọng. Độ che phủ rừng giảm từ 56,7% năm 2004 xuống còn 38,8% vào năm 2016. Từ địa danh "bát ngát lâm trường" với những "cánh rừng" nguyên sinh, liền vùng đang dần bị thay thành những "đám rừng" phân bố rải rác, nghèo kiệt... Từ đó kéo theo sự suy giảm nghiêm trọng về tính đa dạng sinh học, chức năng phòng hộ và cung cấp lâm sản của rừng. Ngoài việc diện tích rừng tự nhiên suy giảm thì công tác phát triển rừng đạt kết quả rất thấp. Đến hết năm 2016 toàn tỉnh chỉ trồng được 42.825 ha rừng.

Hiện nay, Đắk Nông chỉ còn 4 khu vực còn rừng tập trung với diện tích lớn gồm lâm phần Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, Công ty TNHH MTV Đắk N’tao, Công ty TNHH MTV LN Đức Hòa; Khu vực lâm phần Công ty TNHH MTV LN Đắk Wil, Công ty TNHH MTV LN Đại Thành; Khu vực lâm phần Công ty TNHH MTV LN Nam Tây Nguyên, BQL rừng phòng hộ Thác Mơ và Lâm phần của Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng.

Diện tích rừng suy giảm đã kéo theo những biến động lớn của các đơn vị quản lý. Năm 2004 toàn tỉnh có 18 lâm trường quốc doanh và 3 ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ thì đến năm 2017 chỉ còn 5 Công ty TNHH MTV LN; 8 ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ; 43 doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng và một số chủ rừng khác. Quy hoạch 3 loại rừng chất lượng thấp, thường xuyên bị phá vỡ, điều chỉnh; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật chưa nghiêm là những thực trạng đáng báo động của ngành LN.

Lực lượng Kiểm lâm Đắk Glong kiểm tra diện tích rừng trồng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn bị phá. Ảnh: S.V

Và những bất cập hiện hữu

ADQuảng cáo

Để dẫn đến thực trạng như trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trước hết là sự bất cập, thiếu đồng bộ, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt là những quy định liên quan đến quyền và nghĩa vụ của một số chủ thể quản lý rừng. Các quy định của pháp luật chưa làm rõ cơ chế thực hiện các quyền định đoạt của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu đối với rừng tự nhiên và các quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân khi được Nhà nước giao, cho thuê rừng tự nhiên. Cơ chế chính sách hưởng lợi từ rừng còn nhiều bất cập, nên chưa khuyến khích được xã hội chung tay phát triển vốn rừng. Bên cạnh đó, công tác tổ chức quản lý ngành của lực lượng Kiểm lâm, cơ quan quản lý Nhà nước về LN còn nhiều bất cập nên chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm được giao. Việc chuyển các lâm trường sang công ty LN chỉ là “bình mới, rượu cũ”, chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý, quản trị doanh nghiệp. Qua thời gian hoạt động, nhiều công ty LN bị giải thể hoặc phải chuyển đổi mô hình hoạt động.

Trong khi rừng đứng trước áp lực của dân di cư tự do, giá cả nông sản tăng cao nên người dân phá rừng lấy đất sản xuất nông nghiệp thì ngược lại công tác quản lý nhà nước về LN, đất đai và dân cư bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập. Nhiều chính sách như khoán theo Nghị định 135/2005/NĐ-CP; giao đất, giao rừng; chuyển đổi rừng tự nhiên sang trồng cây công nghiệp, liên doanh liên kết; cho thuê đất, thuê rừng... bị thực hiện một cách “méo mó“, không hiệu quả. Đáng chú ý, nhiều người (trong đó có những người có trách nhiệm bảo vệ rừng) lợi dụng sự buông lỏng quản lý và thiếu nghiêm minh của pháp luật để trục lợi, bảo kê, thậm chí là tham gia phá rừng. Cùng với đó, sự yếu kém trong quản lý nhà nước, nhất là cấp chính quyền cơ sở, sự hoạt động thiếu hiệu quả của lực lượng Kiểm lâm và sự buông lỏng, tiếp tay của một số chủ rừng đã dẫn đến thực trạng rừng bị mất trên quy mô diện tích lớn, trong thời gian dài.

Cần đột phá trong trật tự, kỷ cương

Trong thời gian vừa qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo và hành động quyết liệt để ngăn chặn phá rừng và khuyến khích phát triển rừng bền vững.

Có thể khẳng định, đây chính là những giải pháp quan trọng, làm tiền đề để thực hiện các giải pháp khác. Điểm quan trọng thứ hai, phải làm tốt công tác quản lý nhà nước về LN, về dân cư và đất đai. Vừa qua, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, sử dụng đất đai gắn với quản lý dân cư, giai đoạn 2016 - 2020. Để làm tốt công tác QLBVR thì phải quản lý tốt dân cư, đất đai và thực hiện đồng bộ Nghị quyết số 11-NQ/TU, các kết luận, chương trình hành động của Tỉnh ủy như: Kết luận 110, Chương trình hành động số 15 và Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy. Mặt khác, tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách theo hướng chia sẻ lợi ích, thu hút sự tham gia của người dân vào sự nghiệp trồng và bảo vệ rừng. Về quy hoạch và quản lý quy hoạch phải được quan tâm và bảo đảm những diện tích quy hoạch cho LN phải có rừng. Những diện tích đất trống quy hoạch cho LN phải phục hồi lại rừng hoặc sản xuất nông lâm kết hợp bằng các chính sách phát triển rừng.

Các cấp, các ngành cần tham mưu cho tỉnh giải quyết một cách toàn diện các hệ lụy xấu trong quá trình quản lý từ trước đến nay như vấn đề giao khoán theo Nghị định 135, liên doanh liên kết; các dự án thuê đất, thuê rừng sản xuất nông LN... Tập trung ngăn chặn các hành vi vi phạm các quy định của nhà nước về QLBVR, quyết tâm giữ bằng được diện tích rừng tự nhiên hiện còn. Ngoài ra, tỉnh cũng cần bảo đảm nguồn lực tài chính để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng. Các đơn vị, địa phương phải sử dụng có hiệu quả nguồn thu dịch vụ môi trường rừng cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng...

Tại buổi làm việc với Sở  Nông nghiệp - PTNT ngày 22/6/2017, đồng chí Lê Diễn, Ủy viên Trung ương  Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh tiếp tục khẳng định quan điểm chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy để lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR). Trong đó nhấn mạnh trong thời gian tới các cấp, các ngành phải tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết là kiện toàn tổ chức, nhân sự, nâng cao năng lực tại các cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng. Sắp xếp lại các mô hình sản xuất LN cho phù hợp với tình hình thực tế. Khẩn trương hoàn thành việc sắp xếp, đổi mới cơ chế hoạt động của các công ty LN; kiên quyết xử lý, giải thể các đơn vị trì trệ, yếu kém. Kiện toàn, thay thế nhân sự chủ chốt tại các đơn vị chủ rừng nhà nước và lực lượng Kiểm lâm để tạo bước đột phá trong công tác QLBVR.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển ngành Lâm nghiệp Ðắk Nông: Cần sự đột phá và quyết liệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO