Nhiều vụ phá rừng thông, không phát hiện được đối tượng

Đức Hùng| 16/07/2020 09:12

Tình trạng ken cây, đổ hóa chất hủy hoại rừng thông trên địa bàn huyện Đắk Song (Đắk Nông) diễn biến phức tạp cả về tính chất vi phạm và mức độ thiệt hại. Tuy nhiên, việc xử lý tình trạng này gặp nhiều khó khăn.

ADQuảng cáo

Rừng thông phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14 rộng khoảng  218 ha, trồng từ năm 1984 nằm chủ yếu trên địa bàn huyện Đắk Song. Trong đó, UBND huyện Đắk Song quản lý 193 ha; Trường Quân sự địa phương, Trung đoàn 994, thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý 25 ha.

Dung dịch màu trắng bơm vào cây thông được xác định là thuốc diệt cỏ

Những năm qua, tình trạng phá rừng, ken cây, đổ hóa chất hủy hoại rừng thông diễn biến phức tạp. Từ năm 2010 đến nay, tại khu vực dọc quốc lộ 14 (đoạn xã Trường Xuân đến thị trấn Đức An), lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 149 vụ vi phạm. Trong số này, có 116 vụ gây thiệt hại 38 ha rừng không phát hiện đối tượng, 19 vụ gây thiệt hại hơn 2 ha phát hiện đối tượng và 14 vụ khai thác rừng trái pháp luật.

Ngoài phá rừng, tình trạng dựng nhà, lều quán, cây trồng, lấn chiếm đất rừng... cũng diễn biến phức tạp. Chỉ tính riêng năm 2018, lực lượng chức năng kiểm tra lập 52 biên bản vi phạm hành chính lấn chiếm 10 ha đất rừng. Năm 2019, UBND huyện Đắk Song ban hành 82 quyết định cưỡng chế, buộc khắc phục hậu quả hơn 100 trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp thuộc 2 xã Nâm N’Jang và Trường Xuân.

ADQuảng cáo

Lực lượng công an điều tra một vụ phá rừng thông dọc quốc lộ 14

Theo kết quả xác minh của cơ quan chức năng, hầu hết các vụ hủy hoại, phá rừng thông dọc quốc lộ 14 diễn ra vào ban đêm, lúc gần sáng nên khó bị phát hiện, ngăn chặn, bắt quả tang. Thông bị hủy hoại bằng cách khoan lỗ đổ hóa chất để cây chết dần. Hầu hết các vụ vi phạm đều không bắt được đối tượng để xử lý... 

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, các đơn vị được giao quản lý, bảo vệ rừng chưa làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng. Một số vụ việc rừng bị phá, hủy hoại nhưng chưa được phát hiện, báo cáo kịp thời. Có trường hợp, sau khi cơ quan chức năng xử lý diện tích rừng bị phá thì cũng không được các đơn vị có trách nhiệm trồng rừng, hoặc khoanh nuôi tái sinh và tiếp tục bị các đối tượng tái lấn chiếm.

Để hạn chế việc phá hoại, xâm phạm rừng thông dọc quốc lộ 14, chính quyền địa phương, ngành chức năng cũng cần làm tốt công tác quản lý đất đai, dân cư. Đây được xem là giải pháp quan trọng để hạn chế tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng khu vực này.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều vụ phá rừng thông, không phát hiện được đối tượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO