Nhiều thách thức trong mùa trồng rừng thay thế năm 2017

Đức Hùng| 29/03/2017 09:28

Qua kiểm kê, rà soát của các đơn vị trồng rừng năm 2017, nhiều diện tích trong vùng dự án trồng rừng thay thế đang bị người dân lấn chiếm trồng hoa màu, cây lâu năm.

ADQuảng cáo

Người dân lấn chiếm rừng tại tiểu khu 1126, xã Nam Bình (Đắk Song) trồng hoa màu, dựng nhà ở

“Mùa” trồng rừng năm 2016 chỉ hơn 70% kế hoạch trồng rừng thay thế được hoàn thành. Nguyên nhân chính khiến việc trồng rừng không đạt kế hoạch là do đất quy hoạch trồng rừng bị tranh chấp, lấn chiếm trồng các loại cây ngắn ngày, cây lâu năm. Các đơn vị trồng rừng không có “đất sạch” để thực hiện việc trồng rừng.

Thực hiện kế hoạch trồng rừng thay thế năm 2017, tỉnh Đắk Nông đã xây dựng kế hoạch trồng gần 1.750 ha, giao cho 21 đơn vị thực hiện. Thời điểm này, các đơn vị trồng rừng đang xây dựng phương án nhưng theo kiểm kê, rà soát bước đầu nhiều diện tích nằm trong vùng dự án các đơn vị xây dựng bị lấn chiếm trồng các loại cây lâu năm, hoa màu.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (Tuy Đức) đang xây dựng phương án trồng 50 ha rừng thay thế năm 2017. Theo kết quả rà soát, kiểm kê đất trong vùng xây dựng dự án của công ty thì hầu hết diện tích này đã bị người dân lấn chiếm trồng hoa màu cây lâu năm, cây ngắn ngày. Việc vận động người dân tham gia trồng rừng cũng vấp phải nhiều khó khăn do hiệu quả trồng rừng mang lại thấp hơn nhiều so với các các loại cây trồng khác như khoai lang, tiêu, cà phê.

ADQuảng cáo

Chuẩn bị “mùa” trồng rừng 2017, Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng (Đắk Glong) trồng gần 400 ha diện tích theo kế hoạch tỉnh giao. Trong số diện tích được đơn vị xây dựng phương án có khoảng 80 ha đã bị người dân lấn chiếm, canh tác. Bên cạnh đó, khu vực này 42 hộ dân đang sinh sống trong vùng dự án của khu bảo tồn.

Ông Khương Thanh Long, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng cho biết: Hiện nay, đơn vị lập đoàn công tác đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động người dân trả lại đất. Việc trồng rừng trên địa bàn gặp khá nhiều khó khăn, người dân xâm canh, thời tiết không thuận lợi, địa bàn đồi dốc nhiều,  nhưng đơn vị quyết tâm thực hiện kế hoạch tỉnh giao và trồng thành công diện tích rừng bán ngập tại lòng hồ thủy điện để phục vụ du lịch.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa (Gia Nghĩa) được tỉnh giao trồng hơn 110 ha. Qua rà soát, kiểm kê thì hầu hết diện tích trong dự án trồng rừng phòng hộ người dân đã xâm canh, lấn chiếm trồng cây ngắn ngày, cây lâu năm. Hầu hết người dân xâm canh đều là người đồng bào dân tộc thiểu số. Sau khi nhận giao trồng rừng, Ban Quản lý đã thành lập 3 chốt, phối hợp với địa phương để nắm bắt thông tin về hiện trạng đất, số hộ canh tác, lấn chiếm.

Ông Vũ Văn Trọng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa cho hay: “Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa đang tiến hành tiếp cận với người dân để tuyên truyền, vận động người dân tham gia trồng rừng. Ban Quản lý cũng đang tìm các loại cây cho thu nhập dưới tán rừng để đưa vào phương án giới thiệu cho người dân nhằm tăng thu nhập khi tham gia nhận giao khoán trồng rừng ngoài các chế độ, chính sách hiện hành. Việc trồng rừng thành công phải có sự đồng thuận của người dân”.

Ông Nguyễn Quân Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp - PTNT Đắk Nông) cho biết, hiện nay, phòng chuyên môn đang xây dựng các phương án, giải pháp để giải quyết những khó khăn về đất lâm nghiệp quy hoạch bị lấn chiếm. Theo đó, việc tích cực vận động tuyên truyền người dân tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cần được triển khai. Giải pháp trồng nông lâm kết hợp để vừa trồng được rừng theo yêu cầu, vừa bảo đảm an sinh xã hội.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều thách thức trong mùa trồng rừng thay thế năm 2017
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO