Nhiều nguy cơ dẫn đến mất rừng

Lam Giang| 14/12/2015 14:11

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tính đến tháng 11/2015, lực lượng kiểm lâm và các đơn vị chủ rừng đã phối hợp kiểm tra, phát hiện, lập biên bản xử lý 967 vụ vi phạm luật Bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, nổi lên là tình trạng phá rừng trái pháp luật 372 vụ, thiệt hại 289,86 ha, tăng 71 vụ và tăng 156 ha so với cùng kỳ năm trước.

ADQuảng cáo

Đến nay, ngành đã xử lý hành chính 273 vụ/76,65 ha; chuyển điều tra hình sự 61 vụ/136,48 ha; số vụ đang củng cố hồ sơ xử lý 38 vụ/76,73 ha. Ngoài ra, tình trạng lấn chiếm đất rừng, khai thác, buôn bán lâm sản trái phép cũng diễn biễn phức tạp.

Cụ thể, toàn tỉnh đã xảy ra 18 vụ lấn chiếm 7,023 ha đất rừng; 103 vụ khai thác rừng trái phép; 5 vụ vận chuyển mua bán động vật rừng trái pháp luật; 297 vụ mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; 4 vụ vi phạm quản lý nhà nước về chế biến gỗ; 106 vụ vi phạm thủ tục trình kiểm lâm sản và 62 vụ các vụ vi phạm khác. Tổng số vụ đã xử lý là 992 vụ (có 130 vụ năm 2014). Lâm sản tịch thu là 1.099,57m3 gỗ các loại, 676 trụ tiêu cùng 240 máy móc và phương tiện các loại.

Lợi dụng việc dọn dẹp rừng, một số người đã chặt phá rừng thông tại xã Quảng Tân (Tuy Đức). Ảnh: Phan Tuấn

Nguyên nhân chủ yếu là do các chủ rừng buông lỏng quản lý dẫn đến rừng bị phá với diện tích lớn mà không có biện pháp ngăn chặn và báo cáo kịp thời. Ở các dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp triển khai còn chậm, hoặc không có năng lực triển khai, chưa thu hút được sự tham gia của người dân địa phương và còn buông lỏng công tác quản lý để rừng bị phá, lấn chiếm với diện tích lớn. Việc giao khoán rừng và đất lâm nghiệp theo Nghị định 135 của Chính phủ không hiệu quả.

Chính quyền địa phương cấp huyện, xã chưa thực hiện hết trách nhiệm theo Quyết định 07 của Thủ tướng Chính phủ; việc quản lý nhân hộ khẩu, đất đai còn buông lỏng, thiếu chặt chẽ... Nguy hại hơn ở một số nơi có biểu hiện bất lực trước tình trạng phá rừng, sợ tạo ra điểm nóng gây bất ổn về an ninh, trật tự an toàn xã hội  tại địa phương.

ADQuảng cáo

Trước thực trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, vận chuyển, mua bán, chế biến lâm sản trái phép diễn biến phức tạp... Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Cụ thể, đơn vị đã phối hợp với các ngành chức năng, địa phương xác định các điểm nóng về phá rừng như các tiểu khu 1705, 1691, lâm phần Xí nghiệp lâm nghiệp Nghĩa Tín (thuộc Công ty TNHH Gia Nghĩa) quản lý, xã Quảng Thành (Gia Nghĩa); các tiểu khu 1685, 1697 lâm phần Xí nghiệp lâm nghiệp Đắk Ha (thuộc Công ty TNHH Gia Nghĩa) quản lý tại các xã Đắk Ha, Quảng Sơn (Đắk Glong); rừng thông trồng tại tiểu khu 1624 đã tạm giao cho bản Đắk Lép, xã Nâm N’Jang và Rừng phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14 thuộc các xã Trường Xuân, Nâm N’Jang (Đắk Song)...

Đồng thời, nhiều chuyên án được xác lập để điều tra, xử lý các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại các điểm nóng thuộc các xã Quảng Trực, Đắk Ngo (Tuy Đức), Quảng Thành (Gia Nghĩa), Đắk Ha, Quảng Sơn (Đắk Giong) và dọc tuyến quốc lộ 14C (Đắk Song). Ngành Kiểm lâm phối hợp với thị xã Gia Nghĩa và huyện Đắk Glong triển khai có hiệu quả việc lập chốt ngăn chặn tại tiểu khu 1705 thuộc lâm phần Xí nghiệp lâm nghiệp Nghĩa Tín quản lý và tại tiểu khu 1685 thuộc lâm phần Xí nghiệp lâm nghiệp Đắk Ha quản lý.

Kết quả, từ khi thành lập chốt chặn đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện và lập hồ sơ xử lý 76 vụ vi phạm. Trong đó, khai thác rừng trái phép 36 vụ; vận chuyển lâm sản 6 vụ; cất giữ lâm sản 5 vụ; vi phạm các quy định chung về bảo vệ rừng 6 vụ; lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép 7 vụ; phá rừng trái phép 16 vụ, với 27,626 ha.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 18/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và xây dựng quy định xử lý trách nhiệm để xảy ra phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Chỉ thị nêu rõ, người đứng đầu chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan chức năng của huyện, thị xã, lực lượng kiểm lâm trong phạm vi trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng và khai thác rừng trái pháp luật mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời thì phải kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm theo quy định. Đồng thời, ngành Kiểm lâm cũng tăng cường phối hợp với các công ty lâm nghiệp thực hiện nghiêm túc các dự án, phương án, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đã được phê duyệt.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều nguy cơ dẫn đến mất rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO