Người dân nhận khoán đang “sống” được nhờ rừng

Đức Diệu| 12/02/2015 10:54

Nếu như nhiều năm trước, người dân không mấy mặn mà từ việc nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng thì thời gian gần đây, phương thức này đang nhận được sự tham gia của nhiều hộ gia đình vì họ thực sự đã được hưởng lợi từ rừng.

ADQuảng cáo

Thời gian qua, huyện Tuy Đức đã tiến hành đo đạc, xây dựng đề án và bàn giao 3.906 ha rừng và đất rừng cho cộng đồng dân cư quản lý, bảo vệ. Cụ thể, huyện đã bàn giao 1.016 ha rừng, đất rừng cho cộng đồng 2 bon Bu Nơ A và Bu Nơ B, thuộc xã Quảng Tâm; bon Mê Ra và Bu Dưng xã Đắk R’tíh 1.110 ha; cộng đồng bon Bu Kon, xã Đắk R’tíh 1.198 ha và tạm giao cho cộng đồng bon Bu Nung, xã Quảng Trực là 581 ha.

Các hộ dân nhận khoán rừng tại xã Quảng Khê phối hợp với lực lượng kiểm lâm huyện Đắk Glong chăm sóc rừng trồng

Qua công tác kiểm tra, giám sát cho thấy, diện tích rừng đã giao về cho cộng đồng dân cư nơi đây đều được quản lý, bảo vệ khá tốt. Ngoài việc thường xuyên kiểm tra, giám sát từ phía chính quyền địa phương, sở dĩ công tác giao khoán rừng cho các hộ dân quản lý, bảo vệ có hiệu quả là nhờ Nhà nước đã có những chính sách hợp lý cho người dân.

Cụ thể, hầu hết diện tích rừng giao khoán trên hiện đã được huyện Tuy Đức đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Ngoài ra, cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ hàng năm theo quy định, người dân nhận khoán cũng có thêm nguồn thu sản phẩm phụ từ rừng và canh tác trên diện tích đất không có rừng. Bên cạnh đó, họ còn được hưởng một phần kinh phí thu được mỗi lần Nhà nước khai thác tỉa thưa rừng.

ADQuảng cáo

Chưa kể đến, đối với các hộ dân nhận khoán rừng thuộc diện hưởng lợi từ nguồn dịch vụ chi trả môi trường rừng, mỗi năm, họ còn có thêm một khoản tiền không nhỏ. Đơn cử như trên địa bàn xã Quảng Khê (Đắk Glong) hiện có 5 tổ nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài các khoản kinh phí hỗ trợ theo quy định, hàng năm, từ quỹ chi trả dịch vụ môi trường rừng, mỗi ha nhận khoán, người dân được nhận về bình quân 460 ngàn đồng.

Theo UBND xã Quảng Khê thì bình quân, mỗi năm, một hộ nhận khoán cũng thu về gần 10 triệu đồng từ quỹ dịch vụ chi trả môi trường rừng. Điều đáng nói là từ khi có thêm khoản tiền này, các hộ nhận khoán không chỉ có nguồn thu đáng kể mà còn nâng cao trách nhiệm trong công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng.

Rõ ràng, thực hiện chủ trương giao khoán rừng cho cộng đồng, các hộ dân quản lý, bảo vệ đã và đang cho thấy những hiệu quả tích cực, vì là người địa phương, sống gần rừng nên rất thuận lợi trong việc tham gia kiểm tra, kiểm soát và giữ rừng.

Hơn thế, khi Nhà nước đã đảm bảo được các chính sách phù hợp về kinh phí cho các hộ nhận khoán, những thuận lợi đó sẽ càng được phát huy, nâng cao vai trò phối kết hợp giữa lực lượng chức năng, chính quyền và người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng một cách hiệu quả.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người dân nhận khoán đang “sống” được nhờ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO