Ngăn chặn phá rừng, phát triển rừng bền vững giai đoạn 2016 - 2020: Lấy chống làm nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đột phá

Tường Mạnh| 30/11/2016 10:24

Đó là quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy Đắk Nông tại Kết luận số 110-KL/TU ngày 17/11/2016 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU về ngăn chặn phá rừng, phát triển rừng bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

ADQuảng cáo

Rừng cộng đồng ở xã Quảng Tâm (Tuy Đức) được bảo vệ tương đối tốt. Ảnh: Song Việt

Không đạt mục tiêu đề ra

Theo đánh giá, qua thực hiện Nghị quyết số 11 giai đoạn 2013 - 2015 cho thấy, mặc dù các cấp, các ngành đã có những nỗ lực không ngừng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhưng kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu, chuyển biến chưa căn bản, thiếu vững chắc. Vì vậy, trong 3 năm (2013 - 2015) không đạt được mục tiêu nghị quyết đề ra là phấn đấu giảm 50% số vụ và diện tích phá rừng, cả về tính chất, quy mô của từng vụ.

Kết luận cũng nêu hàng loạt những vấn đề còn bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ rừng dẫn đến thực trạng trên. Điển hình, công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch rừng chưa chặt chẽ, còn chậm, kéo dài. Công tác giao đất, giao rừng còn nhiều bất cập.

Các dự án nông, lâm nghiệp của doanh nghiệp tư nhân và liên doanh, liên kết cũng như giao khoán rừng theo Nghị định 135 tại các công ty lâm nghiệp thực hiện không hiệu quả, có nhiều sai phạm, chưa được xử lý kiên quyết, dứt điểm. Công tác kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của chính quyền từ cấp huyện đến xã, thôn, bon và các đơn vị chủ rừng, lực lượng kiểm lâm chưa sâu, chưa nghiêm túc.

Ngoài nguyên nhân khách quan, về chủ quan là do một số cấp ủy, chính qzXCVuyền địa phương chưa kiên quyết, trách nhiệm chưa cao. Các ngành, các cấp chưa chấp hành nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tổ chức bộ máy các công ty lâm nghiệp còn bất cập, hoạt động kém hiệu quả kéo dài nhiều năm không được xử lý.

Trách nhiệm của cán bộ quản lý trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển rừng, quản lý đất đai (công ty lâm nghiệp, lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương) còn buông lỏng. Một số cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, trình độ năng lực không đáp ứng yêu cầu, tiêu cực, thoái hóa biến chất, tiếp tay, bảo kê cho các đối tượng phá rừng, lấn chiếm, mua bán đất rừng trái phép... chưa được xử lý kiên quyết.

ADQuảng cáo

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn phá rừng

Trước tình hình trên, xét về quan điểm, mục tiêu, giải pháp của nghị quyết còn có giá trị, Tỉnh ủy thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11 đến hết năm 2020. Theo đó, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng phải được xác định là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách; là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể và của toàn dân. Hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cùng vào cuộc, với quyết tâm khôi phục, phát triển rừng bền vững, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Cùng với việc nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật; lấy xây làm nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, cần lấy chống làm nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đột phá, kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng.

Quan điểm “lấy chống làm nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đột phá” được xác định ở đây đó là tập trung rà soát, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp được giao rừng và cho thuê rừng có sai phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Các cán bộ, công chức buông lỏng quản lý, tiếp tay, bao che cho việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng cần bị đình chỉ ngay, với tinh thần công khai, minh bạch, công bằng; không né tránh trách nhiệm, không bao che cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không có vùng cấm.

Cơ quan chức năng tập trung đấu tranh, triệt phá các băng nhóm tội phạm, các đối tượng “bảo kê, đầu nậu” liên quan đến phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Những vụ phá rừng phải được xử lý nghiêm minh, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.

Đặc biệt, Tỉnh ủy cũng chỉ đạo đẩy nhanh điều tra, xử lý các vụ phá rừng nổi cộm, nghiêm trọng với diện tích lớn xảy ra trong thời gian qua như: Rừng phòng hộ cảnh quan quốc lộ 14, bản Đắk Lép; Xí nghiệp lâm nghiệp Nghĩa Tín; các Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Ha, Quảng Đức, Đức Hòa, Thuận Tân, Gia Nghĩa, Đắk N’tao...; các sai phạm liên quan đến việc nhận giao khoán theo Nghị định số 135, các liên doanh liên kết tại các công ty lâm nghiệp, các doanh nghiệp thuê đất.

Quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy đã rõ ràng, vấn đề còn lại ở đây đó là các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, chủ rừng và toàn xã hội cần phải thật sự vào cuộc quyết liệt thì công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng mới đạt được mục tiêu như nghị quyết đề ra.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn phá rừng, phát triển rừng bền vững giai đoạn 2016 - 2020: Lấy chống làm nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, đột phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO